Cổ khuẩn - Ảnh: PHYS
Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vi sinh vật học Cornelia Welte của Trường ĐH Radboud (Hà Lan) đã khám phá ra một loài cổ khuẩn khó tin, có khả năng chuyển đổi khí mê-tan thành điện chỉ nhờ... hít thở.
Cổ khuẩn là những vi sinh vật giống vi khuẩn, đã có từ thuở bình minh của địa cầu . Những bằng chứng xa xưa nhất về cổ khuẩn có niên đại lên tới 3,5 tỉ năm.
Dòng giống của chúng vẫn tồn tại cho đến nay, như những "hóa thạch sống" bí ẩn và dị biệt, sống sót được trong cả những điều kiện kỳ lạ và khắc nghiệt nhất, ví dụ phân hủy khí mê-tan để thở và "ăn" trong môi trường thiếu oxy.
Theo Science Alert, những cổ khuẩn được sử dụng trong nghiên cứu là Methanoperedens thuộc nhóm ANME, tức những cổ khuẩn tự dưỡng kỵ khí. Chúng có khả năng oxy hóa khí mê-tan với một chút nitrat là chất xúc tác.
Nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy cổ khuẩn này trên một trong các điện cực và phát hiện ra quá trình chuyển đổi mê-tan tạo ra dòng điện dao động lên tới 274 miliampe/cm2.
31% năng lượng trong khí mê-tan chúng tiêu thụ đã chuyển hóa thành điện, còn hiệu quả hơn một số nhà máy điện sinh học của con người - cũng dùng phương án biến mê-tan thành điện. Do đó các cổ khuẩn này có thể giúp chúng ta cải thiện hiệu suất của các nhà máy điện sinh học.
Theo bài công bố trên Frontiers in Microbiology, phát hiện này còn đem đến tiềm năng cho một loại pin sinh học cực kỳ hiệu quả.
Đây cũng là phương án sử dụng năng lượng đặc biệt tốt cho môi trường bởi mê-tan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, nếu "bị" sử dụng bớt thì rất có lợi cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc tạo ra năng lượng sạch nhờ cổ khuẩn cũng sẽ giúp hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.