Trải nghiệm đáng giá: Dùng tay bắt tôm hùm khổng lồ
Lê Khả Giáp, "gã lang thang" người Việt mới đây vừa có trải nghiệm đáng nhớ khi đến khám phá cụm đảo hoang ở Indonesia. "Mình đã phải mất 3 ngày di chuyển từ thành phố để đến được nơi này, thuộc quần đảo Banggai.
Khi đến trải nghiệm cuộc sống bản địa, ăn ngủ cùng người dân, họ rủ mình đi bắt tôm hùm. Mình và bạn đồng hành được người dân dẫn đến một bãi tôm hùm thiên nhiên lớn nằm ở rạn san hô".
Anh hào hứng kể, khu vực đảo này còn rất nguyên sơ, gần như không có con người sinh sống. Nước xanh và trong veo, nhìn thấy rõ đáy cát trắng.
Khi lặn xuống biển, anh kinh ngạc thấy đàn tôm lớn đang ăn bên rạn san hô. Không chỉ tôm hùm, các loại hải sản khác như cua, bào ngư, ốc biển, cá... cũng rất nhiều.
Khả Giáp rất háo hức khi được nhóm thợ lặn biển cho mượn dụng cụ tự chế, có kết cấu tương tự như ná dùng dưới nước, với đầu nhọn để xiên tôm, cá. Có người điêu luyện hơn, chỉ chuẩn bị găng tay để... vồ tôm hùm và các loại sò, ốc.
Dù được dân bản địa truyền thụ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cũng như chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi săn, việc bắt tôm hùm vẫn thực sự là thách thức với chàng trai người Việt. Anh thường xuyên bị đuối hơi, khó thở, phải ngoi lên liên tục lấy không khí.
"Mấy anh dân chuyên rồi nên lặn rất lâu, vài phút không cần thở luôn. Họ moi móc từng ngóc ngách trong rạn san hô, chụp con nào là dính con đó. Còn mình vồ trượt mấy lần. Có lúc tưởng bắt được một chú tôm khổng lồ rồi, chắc cỡ gần 3kg, túm được râu rồi mà nó giãy quá, rơi cả râu ra còn tôm lẩn đi mất.
Ngoài tôm hùm, mình còn thấy các loài ốc biển, sò tai tượng, cá rất nhiều. Cảm tưởng ở đây cứ xuống biển là có đồ ăn, không cần đánh bắt xa bờ luôn. Biển nguyên sơ và hào phóng như vậy nhưng người dân cũng rất tự ý thức, họ chỉ bắt đủ ăn chứ không khai thác kiệt quệ đâu", Khả Giáp kể.
Giáp cho biết thêm, giữa rạn san hô nguyên thủy đó, họ còn chạm mặt với cá nóc. Cá nóc là một trong những loài có độc, có thể gây nguy hiểm với con người. Nhưng với các thợ săn biển cả Indonesia mà Lê Khả Giáp đi cùng, nó đơn thuần chỉ là... thức ăn.
Dù con cá đã xù gai thành hình cầu, họ vẫn bắt bằng tay không. Ngạc nhiên hơn là không ai bị trúng độc từ nó cả, dù không hề mặc đồ bảo hộ.
"Một hành trình dài để đến được đây săn tôm hùm, mình thấy rất xứng đáng. Mình không ngờ hòn đảo này còn nguyên sơ và dồi dào hải sản như vậy. Con tôm hùm tự nhiên lớn như thế (2 - 3kg) gần đây mình nhìn thấy là ở Mozambique. Mình không nghĩ là có thể gặp lại một con to như thế ở Indonesia, mà lại do chính tay mình bắt", Giáp hào hứng.
Bất ngờ với cách chế biến hải sản của "chúa đảo"
Thành quả một buổi đi săn ngoài biển của nhóm 5 người là 7 con tôm hùm, dăm con cá và khá nhiều ốc, được Giáp đánh giá là thành công mỹ mãn. Anh chàng cực kỳ sung sướng khi lần đầu được thấy tôm hùm sống ngoài tự nhiên, được đi săn cùng người bản địa.
Anh cũng tiết lộ, thực ra để săn được con tôm to, hai ngư dân người Insonesia đã phải hỗ trợ... đứng trông, chặn đầu đuôi không cho tôm chạy mất. Mất nhiều lần ngoi lên thở và xiên trượt, Giáp mới bắt thành công.
"Khu vực này hoang sơ vắng vẻ, chưa khai thác du lịch. Gọi là đảo hoang chứ thực ra anh ngư dân dẫn mình đi săn có thể gọi là "chúa đảo", vì anh đã xí hòn đảo này để khai hoang.
Nhà chính của anh ấy gần chỗ này. Sau khi khảo sát thấy địa thế đẹp, nhiều hải sản, trên bờ thì có nhiều dừa và chuối, anh ấy đã dựng cái lán nho nhỏ để ở. Ngày ngày gia đình đi xuồng ra đảo bắt hải sản và trồng trọt", Giáp kể.
Khu vực lán chưa có nước ngọt hay điện, vì thế bữa ăn từ hải sản được chế biến cũng theo cách đặc biệt. Họ múc nước biển lên để luộc tôm hùm và ốc; ăn sống một số loại; còn lại đem nướng với than vỏ dừa.
Bữa ăn được dọn cùng cơm và chuối xanh luộc, bày lên lá chuối trông như một bữa đại tiệc dân dã. Vì bắt lên chế biến tại chỗ nên món ăn nào cũng giữ được độ tươi, ngọt, kết hợp với món muối ớt samba thì không còn gì để chê. Ngay cả cá nóc nướng cũng được khen nức nở.