Cuộc chiến Iraq và học thuyết “phòng ngừa” của Mỹ
Mỹ biện minh cho việc họ tấn công quân sự Iraq vào tháng 3/2003 (cách đây đúng 20 năm) bằng lý do để bảo vệ Mỹ khỏi một đối thủ nước ngoài nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không hoàn toàn như mong muốn của Mỹ. Mỹ sau đó rơi vào một cơn lốc địa chính trị mà các đời tổng thống Mỹ thấy dường như không thể thoát ra nổi. Chi phí của Mỹ về mặt máu xương và tiền bạc cho vấn đề liên quan đến cuộc chiến đó trong 20 năm là vô cùng to lớn. Ngoài ra, tổn thất đối với quyền lực mềm của Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi, ít có thể khắc phục được.
Lính liên quân Mỹ trong Chiến tranh Iraq 2003. Ảnh: E-ir.
Các học giả rồi sẽ còn tranh cãi trong thời gian dài sắp tới về nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc Chiến tranh Iraq 2003.
Theo cái cớ do Mỹ đưa ra khi ấy, việc Mỹ đưa quân vào Iraq là do Tổng thống Saddam Hussein từ chối trao cho các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc quyền tiếp cận không giới hạn đối với các địa điểm nhạy cảm ở Iraq. Trong thế giới hậu sự kiện 11/9/2003, Mỹ và các đồng minh không thể chấp nhận rủi ro vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể rơi vào tay lực lượng khủng bố. Theo logic đó của Mỹ và phương Tây, việc tiến quân vào Iraq để tước vũ khí và lật đổ chế độ của ông Saddam là sự lựa chọn duy nhất.
Trên thực tế, đây là học thuyết “chiến tranh phòng ngừa” của Tổng thống Mỹ George W. Bush và đội ngũ cố vấn của ông.
Nhà Trắng khăng khăng rằng Mỹ có quyền sử dụng vũ lực để vô hiệu hóa các mối đe dọa nước ngoài thậm chí cả khi thiếu vắng thông tin tình báo nói rằng một cuộc tấn công vào các lợi ích Mỹ là cận kề.
Khi ấy, hầu hết người Mỹ chấp nhận logic của “chiến tranh phòng ngừa”. Thăm dò dư luận sau đó cho thấy nhiều công dân Mỹ vẫn ủng hộ ý tưởng tấn công phủ đầu để phòng ngừa ngay cả khi Chiến tranh Iraq đã trở thành một bãi lầy đối với Mỹ. Tuy nhiên, với nhiều người trong giới tinh hoa Mỹ, vấn đề Iraq mau chóng đồng nghĩa với sai lầm. Sau này, khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Obama và ông Trump đều phản đối cuộc chiến này. Thậm chí cả những nhân vật tân bảo thủ như Max Boot bây giờ cũng hối tiếc đã ủng hộ việc Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003. Quan điểm ổn định ở Washington hiện nay không xem vũ lực quân sự là công cụ đúng đắn để mang lại những thay đổi lớn đối với chính quyền, nền chính trị và xã hội của các đất nước khác.
Nhưng đồng thời, kinh nghiệm chiến sự ở Iraq cho thấy hệ thống chính trị Mỹ có mức độ khoan dung cao đến mức báo động đối với chiến tranh kéo dài. Nghĩa là chiến tranh có thể kéo dài miễn sao xung đột được duy trì ở phía bên bé nhỏ hơn và được che giấu khỏi con mắt của công chúng. Đây chính là vấn đề. Nó chứng tỏ Washington không chỉ cần từ bỏ học thuyết chiến tranh ngăn ngừa. Nếu Mỹ muốn hưởng thành quả của an ninh quốc gia thực sự, giới lãnh đạo của họ phải từ bỏ cả học thuyết “chiến tranh mãi mãi”.
Mỹ vẫn chưa thoát khỏi Iraq trên thực địa
Người ta thường quên rằng từ năm 1991 đến năm 2003, máy bay Mỹ thực hiện hàng trăm ngàn phi vụ trên bầu trời miền Bắc và miền Nam Iraq với mục tiêu làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Saddam Hussein và làm xói mòn khả năng của ông thực hiện các biện pháp cứng rắn với một số bộ phận dân chúng Iraq. Trong 12 năm ròng, các lực lượng quân sự Mỹ đã bắn tên lửa, thả bom và phá hủy cơ sở hạ tầng của Iraq. Cũng trong thời gian ấy, họ hứng chịu hỏa lực mạnh từ quân đội Iraq. Nhìn từ góc độ này, việc Mỹ tiến đánh Iraq vào năm 2003 không hẳn là sự khởi đầu của một cuộc xung đột mới như giải thích hiện nay của Mỹ về cuộc chiến này, mà cuộc chiến đó đã âm ỉ từ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991.
Năm 2011, quân Mỹ chấm dứt hoạt động tác chiến ở Iraq và rút khỏi nước này theo yêu cầu của chính quyền Baghdad. Việc Tổng thống Mỹ Obama rút quân Mỹ khỏi Iraq đánh dầu sự chấm dứt 2 thập kỷ Mỹ dính líu quân sự vào Iraq.
Tuy nhiên, 3 năm sau đó, chính Tổng thống Obama lại ra lệnh đưa quân Mỹ trở lại Iraq dưới danh nghĩa ngăn chặn các chiến binh tổ chức khủng bố Hồi giáo IS khỏi lan ra và chiếm toàn bộ khu vực xung quanh. Hàng ngàn lính Mỹ được triển khai để chiến đấu chống phiến quân IS - nhiệm vụ này phải đến tháng 12/2017 mới chấm dứt.
Kể từ đó, các lực lượng Mỹ vẫn đồn trú ở Iraq, chủ yếu trong vai trò cố vấn và huấn luyện cho quân đội Iraq. Bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 2.500 nhân viên Mỹ cư trú ở Iraq. Sự hiện diện này không hề vặt vãnh chút nào và tiềm ẩn gây ra xung đột lớn giữa Mỹ và Iran - láng giềng của Iraq. Hồi tháng 1/2020, Iran đã phóng hàng loạt quả tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq để trả đũa cho việc Mỹ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani.
Tính tổng cộng, Mỹ đã tham chiến ở Iraq trong 32 năm - khoảng thời gian này chiếm khoảng 13% lịch sử Mỹ với tư cách một quốc gia độc lập. Và hiện tại, Mỹ không có dấu hiệu nào sẽ rút khỏi quốc gia Tây Á này. Trái lại, cam kết của Mỹ dùng quân sự để giám sát Iraq dường như lặp lại ở các nơi khác, từ Syria đến Libya, Somalia, Niger. Tính mạng của lính Mỹ tại các quốc gia này vẫn bị đặt trong hiểm nguy.
Di sản của Chiến tranh Iraq đối với Mỹ là phức tạp và vẫn tiếp tục mở ra./.