Di sản Chiến tranh Lạnh: Mỹ bế tắc trước mối họa mang tên "hàng tỷ tấn TNT"

Tất Đạt |

Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn với nạn khủng bố, căng thẳng quốc tế tăng cao, không thể loại trừ khả năng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ được sử dụng trở lại.

Kho hạt nhân khổng lồ

Tại một nhà máy gần Amarillo, bang Texas, các công nhân làm thủ công một trong những công việc nguy hiểm nhất trong nền công nghiệp Mỹ: loại bỏ những lõi plutonium từ những đầu đạn hạt nhân không còn được sử dụng.

Mặc dù các quy định an toàn luôn được tuân thủ chặt chẽ, nhưng chỉ cần một cái trượt tay, cả khu vực sẽ chìm trong thảm họa hạt nhân.

Tại các cơ sở của Bộ Năng lượng rải rác trên khắp nước Mỹ, có khoảng 54 tấn plutonium dư thừa. Pantex, nhà máy gần Amarillo, đang lưu trữ nhiều plutonium tới độ vượt qua mốc 20.000 lõi hạt nhân.

Ước tính, con số này đủ để tạo ra vụ nổ hạt nhân hàng loạt với sức công phá lên tới hàng nghìn megaton (tương đương sức nổ của hàng tỷ tấn TNT). Chưa kể, mỗi ngày lại có thêm đầu đạn cũ được chuyển tới.

Tuy đặc biệt nguy hiểm, nhưng công việc tháo gỡ lõi plutonium tại Pantex lại mang tính cần thiết và cực kì quan trọng để nước Mỹ không vượt số lượng 1.550 đầu đạn hạt nhân theo như hiệp định đã kí với Nga hồi năm 2010.

Theo Reuters, Mỹ muốn gỡ bỏ các đầu đạn cũ để thay thế chúng bằng những loại mới tiên tiến, nguy hiểm và có sức công phá mạnh hơn.

[Vietsub] Ông Putin tâm sự về vũ khí hạt nhân Nga, nhắc khéo chuyện Mỹ đáp bom Nhật Bản

Mỹ sở hữu rất nhiều plutonium, và loại vũ khí chết người này không nằm ngoài tầm ngắm của những nhóm khủng bố lớn. Trong một thỏa thuận khác, Washington và Moksva đã cùng cam kết chuyển đổi 34 tấn plutonium thành mức không thể dùng cho vũ khí.

Việc chuyển đổi nhằm 2 mục đích: đảm bảo plutonium không rơi vào tay kẻ xấu, và loại bỏ khả năng hai quốc gia Nga và Mỹ tái sử dụng nguyên liệu này cho vũ khí hạt nhân. Theo trang web của Bộ Năng lượng, hai cường quốc về hạt nhân tổng sở hữu hơn 68 tấn plutonium có thể dùng cho vũ khí - đủ để tạo ra 17.000 đầu đạn hạt nhân.

Plutonium cần phải được xử lí cực kì thận trọng và cẩn mật bởi chất này có chu kì bán rã lên tới 24.000 năm.

Tình thế nguy hiểm

Edwin Lyman, một nhà vật lí thuộc nhóm vận động khoa học UCS tại Washington, cho rằng giải quyết vấn đề plutonium là chuyện rất bức thiết.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn với nạn khủng bố, căng thẳng quốc tế tăng cao và nhiều quốc gia mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, không thể loại trừ khả năng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ được sử dụng trở lại.

Nhưng hiện tại, Mỹ không có kế hoạch lâu dài cho khối plutonium của mình.

William Potter, giám đốc tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Phi hạt nhân hóa tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói: "Tình hình hiện tại còn nguy hiểm hơn cả thời Chiến tranh Lạnh".

Thậm chí, Washington còn chưa bắt đầu thực hiện những bước cần thiết để có thêm những khoảng đất trống nhằm mục đích chôn plutonium dư thừa xuống dưới 600 mét - độ sâu an toàn. 

Một lượng không nhỏ plutonium của Mỹ hiện đang được lưu trữ tại một công trình gần bờ sông Savannah tại bang South Carolina.

Di sản Chiến tranh Lạnh: Mỹ bế tắc trước mối họa mang tên hàng tỷ tấn TNT - Ảnh 2.

Những thùng chứa plutonium. Ảnh: Press TV

Những người phản đối lên tiếng rằng công trình này chưa bao giờ được thiết kế để lưu giữ plutonium và vì thế, có nguy cơ rất cao sẽ xảy ra rò rỉ và tai nạn hạt nhân khi phóng xạ được giải phóng.

Bộ Năng lượng Mỹ có một kho thí nghiệm nhỏ dưới lòng đất tại New Mexico. Bộ này kiểm soát tất cả các nguyên liệu phóng xạ - từ plutonium, uranium cho tới tritium - được dùng trong các vũ khí hạt nhân và lò phản ứng của các phương tiện như máy bay và tàu ngầm.

Trong một buổi điều trần của Thượng viện, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho biết đang thuyết phục chính quyền địa phương New Mexico cho phép mở rộng kho hạt nhân. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã kịch liệt lên án đề xuất này.

Theo thỏa thuận với Nga, Mỹ sẽ phải chuyển đổi 34 tấn plutonium thành nguyên liệu cho lò phản ứng tạo điện với mục đích dân sự. Loại nguyên liệu này được gọi là MOX (tức là "nguyên liệu oxit hỗn hợp" - ND).

Qua các quy trình hóa học, plutonium và uranium tạo thành những thanh nhiên liệu cho các nhà máy năng lượng hạt nhân dân sự.

Hai kim loại này được chuyển đổi thành oxit bởi trong trạng thái như vậy, chúng sẽ không thể gây ra các vụ nổ hạt nhân.

Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ đã bị trì hoãn đáng kể và vượt quá lượng ngân sách dự tính.

Một phương pháp khác được gọi là "trộn lẫn và hủy bỏ". Quy trình này bao gồm việc trộn plutonium với một vật liệu trơ và giữ hỗn hợp này trong các thùng kín.

Tuy nhiên, các thùng này chỉ an toàn trong 50 năm trước khi bắt đầu rò rỉ và phải được chôn rất sâu dưới lòng đất.

Dự án MOX

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ủng hộ Bộ Năng lượng trong việc hủy bỏ dự án MOX (chuyển plutonium thành nguyên liệu cho lò phản ứng hạt nhân dân sự) vì chi phí quá cao. Bộ Năng lượng, từ thời ông Obama, đã mong muốn sớm kết thúc dự án MOX vì nguyên do tương tự, nhưng Quốc hội không thông qua.

Sau đó, một nghiên cứu chỉ ra rằng phương án "trộn lẫn và hủy bỏ" ít tốn kém hơn dự án MOX tới 50%.

Ủy ban An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), một bộ phận của Bộ Năng lượng chuyên giám sát các nguyên liệu và các cơ sở chứa hạt nhân, mong muốn áp dụng phương án chôn plutonium xuống lòng đất bởi phương thức này sẽ "ít tốn kém" hơn cả tỉ USD so với việc hoàn thiện các nhà máy có thể dùng nguyên liệu MOX.

Plutonium là nguyên liệu bom hạt nhân đa dụng. Những kẻ khủng bố chỉ cần ít hơn 5 kg để chế tạo bom.

Việc phát ra ít phóng xạ khiến plutonium an toàn hơn đối với những kẻ khủng bố và các tên trộm. Hầu như không có cảm biến thông thường nào có thể phát hiện ra chất này. Tuy nhiên, việc hít phải bụi plutonium có thể khiến cơ thể người phát triển hàng loạt bệnh ung thư.

Những lõi plutonium cần được tiêu hủy ngày nay là di sản từ thời Chiến tranh Lạnh. Tới năm 1967, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đã đạt đỉnh điểm, tới 37.000 đầu đạn. Trong những năm 1970, Liên Xô sở hữu khoảng 45.000 đầu đạn. Tổng số lượng vũ khí này đủ để hủy diệt sự sống trên trái đất hàng nghìn lần.

Hiệp ước tiêu hủy vũ khí hạt nhân được kí giữa Nga và Mỹ ít lâu sau khi Liên Xô tan rã. Lúc ấy, hai cường quốc mới nhận ra việc hủy plutonium dư thừa cần thiết tới mức nào.

Di sản Chiến tranh Lạnh: Mỹ bế tắc trước mối họa mang tên hàng tỷ tấn TNT - Ảnh 4.

Bộ Năng lượng hiện tại ước tính rằng, nếu được tiếp tục rót vốn, các nhà máy điện hạt nhân sử dụng plutonium sẽ không thể hoàn thiện trước năm 2048. Ảnh: REUTERS

Nhiều nhà khoa học đề xuất chôn nguyên liệu này xuống lòng đất. Tuy vậy, theo hiệp ước kí năm 2000, Mỹ đã đồng ý chuyển đổi 34 tấn plutonium thành MOX. 

Nga đồng ý tiêu hủy một lượng tương đương bằng các lò phản ứng đặc biệt. Nhưng Mỹ chưa bao giờ xây một nhà máy nào sử dụng nhiên liệu MOX. Chưa một lò phản ứng dân sự nào ở Mỹ dùng MOX để tạo điện.

Từ năm 2007, chính phủ Mỹ bắt tay xây dựng một nhà máy MOX với dự tính sẽ cho đi vào hoạt động từ tháng 11/2016. Bộ Năng lượng hiện tại ước tính rằng, nếu được tiếp tục rót vốn, công trình này sẽ không thể hoàn thiện trước năm 2048.

Năm 2007, Bộ Năng lượng nói tổng chi phí sẽ là 4,8 tỉ USD. Tới nay, ước tính phải tiêu tốn tới 17 tỉ USD mới có thể đưa nhà máy MOX vào hoạt động.

Nhà máy bắt đầu khởi công khi thiết kế chi tiết hoàn thiện trong khoảng 20% tới 40%. Nhưng khi các công trình cơ bản hoàn thành, nhà thầu - dưới sự chỉ đạo của Bộ Năng lượng - tiếp tục thi công mà không có kế hoạch kiến trúc.

Ban điều hành Bộ Năng lượng báo cáo trong năm 2016 rằng Mỹ không có thị trường dành cho MOX. Để dùng các thanh nhiên liệu MOX, các nhà máy điện dân sự phải thiết kế lại lò phản ứng và phải trải qua quy trình cấp phép tốn nhiều thời gian từ Ủy ban Quy định Hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại