Giới quan sát đã bàn tán các "dấu hiệu" ông Obama "bị lăng nhục" khi bước từ chiếc Không Lực Một xuống sân bay Hàng Châu bên Trung Quốc, trên chiếc thang máy bay mà không có thảm đỏ theo nguyên tắc tiếp đón nguyên thủ.
Tiếp đến, ông có cuộc gặp đầy ngượng ngùng với ông Rodrigo Duterte sau sự cố phát ngôn văng tục của tổng thống Philippines, một đồng minh thân cận của Washington tại khu vực. Nhiều ý kiến đồn đoán sự cố cho thấy Manila đang ngả về phía Bắc Kinh.
Dù vậy ông Obama khẳng định các sự việc trên đã bị thổi phồng. "Ở mọi nơi chúng tôi đến, chúng tôi được tiếp đón rất tuyệt vời. Bất cứ người nào hiểu lý lẽ, dĩ nhiên là bất cứ ai trong khu vực, đều thấy khó hiểu về việc làm sao những lời (nhận xét) đó có thể phản ánh những gì chúng tôi làm ở đây" - ông nhấn mạnh trong một cuộc họp báo.
Xoay trục về châu Á
Nhưng vấn đề chính là những thông điệp của ông có được lắng nghe hay không. "ASEAN là trụ cột trong chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á" - ông Obama phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào. "Tái cân bằng" và "xoay trục" thường xuyên được ông sử dụng khi nhắc đến khu vực.
Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm cuối cùng tại châu Á với cam kết sẽ tăng cường sự ảnh hưởng của Washington tại khu vực. "Đây là một phần của thế giới có nhiều ý nghĩa với tôi bởi tôi sống ở Indonesia từ khi còn nhỏ. Và cam kết của tôi về việc siết chặt quan hệ với Đông Nam Á là rất thật lòng". Ông cũng công bố khoản tiền 90 triệu USD để giúp Lào dọn dẹp những bom mìn Mỹ còn sót lại sau chiến tranh Việt nam.
Sự xoay trục của Mỹ không chỉ vì đây là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới mà còn vì sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc. Trong thời gian cầm quyền, ông Obama đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Úc, Philippines và Việt Nam và ủng hộ sự chuyển giao dân chủ ở Myanmar.
Nhưng theo báo Washington Post, chính sách này còn nhiều trắc trở, nhất là khi chính quyền Mỹ còn nhiều mối bận tâm khác như sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, tình hình đông Ukraine... CHDCND Triều Tiên cũng phóng đến ba quả tên lửa đạn đạo về phía vùng biển Nhật Bản trong thời gian ông Obama đang ở châu Á như nhắc nhở Mỹ về sự bế tắc ở bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa hàng loạt cam kết hấp dẫn gấp nhiều lần Mỹ tại khu vực. Nhiều quan chức, bao gồm thủ tướng Lý Khắc Cường, đã đi thăm và đem theo hàng tỉ USD đầu tư vào các dự án như đập thủy điện ở Nam Ngiep, tuyến đường ray xe lửa nối Vân Nam và Vientiane và một đặc khu kinh tế ở ngoại ô thủ đô Lào.
Di sản châu Á
Nhưng theo CNN, điểm yếu trong chiến lược xoay trục của ông Obama là điều gì sẽ xảy ra khi ông rời Nhà Trắng. "Tôi hy vọng rằng người kế nhiệm tôi sẽ duy trì cam kết này" - ông Obama từng phát biểu khi đặt chân đến Vientiane. Nhưng sự thật là ông sẽ chuyển giao cho người kế nhiệm một chiến lược vẫn còn chưa hoàn thiện và không có sự đảm bảo nào.
Đến nay, cả hai ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được coi là trọng tâm trong chiến lược xoay trục châu Á. Thậm chí, hiệp định do Washington khởi xướng nhằm tạo đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn đang mắc cạn ở quốc hội Mỹ.
"Trái tim và ý định của ông ấy đặt đúng chỗ nhưng chính sách thương mại (của Mỹ) sẽ làm hỏng di sản của ông ấy - báo Washington Post của Mỹ dẫn lời nhà phân tích Victor Cha thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược - Ông ấy sẽ không thể hoàn thành vòng chạy chiến thắng ở châu Á cho đến khi xong TPP".
Nỗ lực cuối cùng của ông Obama
Trước khi lên đường trở về Washington, tổng thống Obama đã công bố danh sách các mục tiêu mà ông hy vọng hoàn thành trước khi kết thúc nhiệm kỳ, theo báo Wall Street Journal ngày 8-9. Các mục tiêu bao gồm đóng cửa nhà tù Guantanamo ở Cuba, hoàn thành Hiệp định TPP với châu Á, thuyết phục Trung Quốc giúp Washington giải quyết mối đe dọa trên bán đảo Triều tiên.