Cộng đồng phượt thủ 2 ngày gần đây đang bàn tán xôn xao câu chuyện về 2 anh chàng khỏa thân chủ động tạo dáng chụp ảnh trên đỉnh Pha Luông (Mộc Châu). Dưới cái mác "tuổi trẻ ngắn lắm" họ hồn nhiên cho rằng, đó là chuyện bình thường.
Tôi không có ý định áp đặt các quy chuẩn thuần phong mỹ tục ở đây. Vì nếu 2 anh chàng này hiểu về thuần phong mỹ tục thì họ đã không làm vậy.
Tôi chỉ muốn nhân sự kiện này đi tìm lại mục đích cao nhất của hoạt động "đi phượt" – trào lưu rất "hot" trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây.
Có lẽ tầm 4, 5 năm về trước, khái niệm "đi phượt" hầu như chỉ dành cho những người ưa khám phá và có sức khỏe tốt. Họ đi để ngắm nhìn Việt Nam và thu nạp một lượng kiến thức lớn vào đầu.
Hai chàng trai thản nhiên chụp ảnh trong bộ dạng không mảnh vải che thân. Ảnh: Huỳnh Hữu Khoa
Tôi có quen một phượt thủ đã bắt đầu hành trình khám phá từng ngõ ngách nhỏ nhất của đất nước từ cả chục năm về trước. Sau mỗi chuyến đi, anh đều ghi lại những gì mình học được.
Và giờ đây sau 10 năm, lượng kiến thức anh thu về nhiều gấp vài trăm lần so với số ảnh anh từng chụp trên các cung đường khám phá.
Anh có thể đọc vanh vách từng con đường mòn, phong tục tập quán của người địa phương, các nét văn hóa đặc sắc, các món ăn đặc sản và thậm chí là cách chế biến nó, ý nghĩa của món ăn đó, của bộ trang phục đó…
Anh lên Tây Bắc và có thể dựa vào hoa văn trên những chiếc áo và phân biệt rõ ràng đây là dân tộc nào, họ có bao nhiêu ngày lễ trong năm và họ làm gì vào những ngày lễ đó.
Tôi không phải phượt thủ, nhưng tôi biết chắc chắn: Anh là một phượt thủ đích thực, và tôi ngưỡng mộ những hành trình của anh. Đối với tôi và rất nhiều người khác, điều anh làm được chính là mục đích cao cả nhất của một phượt thủ.
Đáng tiếc, đang có một bộ phận rất đông các phượt thủ nửa mùa, nhân danh "tuổi trẻ" và "khám phá", cố gắng tô vẽ cho bản thân một vẻ ngoài gai góc, từng trải của một phượt thủ, nhưng không có chút kiến thức nào về khái niệm này.
Giẫm lên hoa để tạo dáng, họ đi phượt chỉ để "làm màu"?
Tôi biết một cô gái, chỉ vì muốn có bộ ảnh sống ảo với bạn bè trên Mộc Châu, lồng lộn tuyển xế (người lái xe). Rốt cuộc cô dụ được một bạn nam có cảm tình với cô đi cùng đoàn lên Mộc Châu.
Cả chuyến đi cô cầm theo gậy tự sướng live Facebook. Đến nơi, cô thay cả chục bộ quần áo để chụp ảnh và sau khi về nhà, cô kêu trời vì mệt, đói, bẩn với tôi.
Nhưng tối hôm đó, cô up nguyên 1 album ảnh, với dòng chú thích cực kỳ quen thuộc đến mức nhàm chán: Vì cuộc đời là những chuyến đi. Đáng tiếc, cô lại check-in nhầm ở… Mai Châu.
Một cô gái khác đi cùng đoàn phượt thủ lên Sapa. Nhưng trong khi cả đoàn vào bản Tả Van cố gắng trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa thì cô gái này sau khi ghé Tả Van, bí mật nhờ bạn trai đưa trở lại Sapa… thuê khách sạn 4 sao nghỉ.
Và rồi một kịch bản quen thuộc lại xuất hiện: Vài chục bức ảnh xuất hiện trên Facebook chứng minh cô vừa có những trải nghiệm đầy gian khổ trên hành trình đi phượt.
Còn rất nhiều đoàn phượt thủ khác dựng lều cắm trại rồi xả rác khắp nơi. Đốt lửa trại rồi bật nhạc ầm ĩ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân bản địa.
Những gì còn lại sau một đêm nghỉ chân của đoàn phượt
Tệ hơn, có khá nhiều phượt thủ chưa đủ kinh nghiệm lẫn sức khỏe, nhưng vẫn a dua theo bạn bè và rồi chuốc lấy hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì ốm một trận, nặng thì gặp tai nạn trên đường.
Có lẽ chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện của anh chàng Aiden Webb, trong nỗ lực leo lên đỉnh Fansipan bằng đường bộ, đã không may ngã xuống núi tử vong.
Con đường Aiden Webb chọn là hành trình quá đỗi nguy hiểm và quá giới hạn của bản thân.
Xa hơn nữa là câu chuyện huyền thoại của anh chàng Christopher McCandless năm 1992. Một mình chinh phục Alaska hoang dã, rồi bỏ mạng vì ăn nhầm thức ăn có độc.
Đó là một trong rất nhiều bài học mà giới phượt thủ Việt Nam cần biết để đừng vì a dua, sống ảo mà chuốc lấy hậu quả khôn lường, dù rằng ưa khám phá là điều rất tốt. Bởi chẳng có cách học nào hiệu quả hơn chính bạn trải nghiệm.