Cơ quan quản lý cổ vật Israel (IAA) thông tin, một thợ lặn tên Shlomi Katzin đã phát hiện thanh kiếm dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Carmel, phía bắc Israel, nơi chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử quan trọng của các cuộc Thập tự chinh, hay chiến tranh tôn giáo kéo dài không liên tục từ năm 1095 đến năm 1291.
Thanh kiếm có chuôi dài 30cm, lưỡi dài 1m và dường như được làm bằng sắt. Nó có từ thời Thập tự chinh, nghĩa là khoảng 900 năm tuổi nhưng được bảo quản trong tình trạng hoàn hảo nhờ lớp vỏ bọc sinh vật biển.
Thợ lặn Shlomi Katzin bên thanh kiếm cổ 900 năm tuổi.
"Đây là một thanh kiếm đẹp và hiếm. Nó rõ ràng thuộc về một hiệp sĩ Thập tự chinh. Thật thú vị khi tìm thấy một vật dụng cá nhân như vậy. Khám phá này như đưa bạn quay ngược thời gian trở về 900 năm trước với những hiệp sĩ mặc áo giáp và cầm kiếm”, thanh tra Nir Distelfel từ Đơn vị Phòng chống Cướp của IAA chia sẻ.
Cùng với thanh kiếm cổ, thợ lặn còn tìm thấy một số hiện vật khác trong chuyến thám hiểm bao gồm đồ tạo tác bằng gốm, mỏ neo bằng đá và kim loại. Người này sau đó mang thanh kiếm đến cơ quan quản lý cổ vật để xác minh và đơn vị này đã giao lại hiện vật cho Cục Kho báu quốc gia. Cơ quan chức năng cho biết các chuyên gia sẽ làm sạch, nghiên cữu kỹ và khôi phục lại vẻ đẹp rực rỡ của thanh kiếm trước khi đem ra trưng bày.
Theo IAA, bờ biển Carmel vốn là "nhân chứng" chứng kiến những thời khắc quan trọng trong lịch sử của các cuộc Thập tự chinh. Những phát hiện trước đây cho thấy vị trí thanh kiếm được tìm thấy từng là khu vực neo đậu tàu thuyền từ 4.000 năm trước, trong thời đại đồ đồng.
"Bờ biển Carmel có nhiều vịnh nhỏ tự nhiên, cung cấp nơi trú ẩn cho các con tàu khi gặp bão, trong khi các vịnh lớn hơn ở xung quanh là nơi phát triển khu định cư và thành phố cảng cổ đại, chẳng hạn như Dor và Atlit. Những điều kiện này đã thu hút tàu buôn từ nhiều thời đại, để lại những phát hiện khảo cổ học phong phú. Thanh kiếm của hiệp sĩ Thập tự chinh chỉ là một trong những khám phá như vậy", Giám đốc Đơn vị Khảo cổ học Hàng hải của IAA Kobi Sharvit cho hay.
Tuy nhiên việc xác định các di tích khảo cổ học dưới đáy biển thường gặp nhiều thách thức do các điều kiện môi trường thay đổi. Vì lý do này, những khám phá tình cờ có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
"Ngay cả cơn bão nhỏ nhất cũng di chuyển cát và để lộ các khu vực dưới đáy biển, đồng thời chôn vùi nhiều thứ. Do đó, điều quan trọng là phải báo cáo ngay bất kỳ phát hiện nào như vậy và chúng tôi luôn cố gắng nghiên cứu chúng tại chỗ, để thu được càng nhiều dữ liệu khảo cổ học càng tốt", Giám đốc Kobi Sharvit lưu ý thêm.