Start-up bị Shark nhận định phũ "em đang bị ngáo giá, điên rồ" sau màn gọi vốn khủng

Ngân Hà |

Để đẩy mạnh xuất khẩu khung xếp đa năng tự lực Khánh Trình, CEO Lê Nguyễn Khánh Trình gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần. Màn gọi vốn này bị các Shark đánh giá là đang “hô mưa gọi gió”.

Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) mùa 3, tập 6 phát sóng tối qua (28/8) khiến khán giả nhiều lần bật cười trước màn tranh luận giữa các "cá mập" và start-up.

Thay vì những cuộc trao đổi căng thẳng, gay cấn như những số trước, màn gọi vốn của CEO kiêm founder của công ty Cổ phần Khánh Trình - anh Lê Nguyễn Khánh Trình gây ấn tượng với khán giả bởi mức định giá siêu khủng, khiến các Shark phải thốt lên: "Start-up Việt thời nay hình như đang bị "ngáo giá"!

Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 1.

CEO Khánh Trình kêu gọi số vốn 5 triệu USD, đổi lấy 10% cổ phần công ty. Theo đó, anh Khánh Trình chính là người sáng chế ra sản phẩm khung xếp đa năng tự lực.

Sản phẩm khung xếp đa năng tự lực của công ty Khánh Trình có công dụng hỗ trợ khách hàng tập luyện, phòng ngừa, điều trị các bệnh đau lưng, cột sống, thoát vị đĩa đệm…

Giúp trẻ em, thanh thiếu niên tăng chiều cao hiệu quả; người dùng có thể tập luyện thể thao ngay tại nhà, văn phòng. Đồng thời, nó còn có khả năng biến thành móc treo hiệu quả, tăng giảm độ cao linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng người dùng.

Các "cá mập" không quên trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Nguyễn Hòa Bình - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech - với hơn 20 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - đánh giá sản phẩm quá đơn giản. Do đó, mức định giá của CEO quá cao, xa rời thực tế. 

Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 2.
Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 3.

Đáp lại, CEO Khánh Trình chia sẻ: "Mặc dù sản phẩm trông rất đơn giản nhưng chúng tôi đã xuất khẩu hơn 1000 sản phẩm qua 40 quốc gia.

Hiện nay, trên website bán lẻ của chúng tôi hoặc trên Amazon, mỗi bộ sản phẩm có giá hơn 300USD – hơn 7 triệu đồng. Doanh thu trung bình của công ty là 1 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận chiếm 30%. Nếu các shark đầu tư, dự kiến từ 3-5 năm sẽ thu hồi được vốn".

Màn thương thuyết dường như không thuyết phục được các nhà đầu tư. Shark Nguyễn Hòa Bình tỉnh táo tập trung sự chú ý vào các con số "khủng", ông phân tích hài hước và không kém phần phũ phàng:

"Em định giá công ty hơn 1000 tỷ đồng, không hiểu các start-up Việt Nam bây giờ đang bị "ngáo giá" hay sao ấy. Chắc là do ảnh hưởng của lạm phát!"

Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 4.

Shark Phạm Thanh Hưng cho rằng đây là màn gọi vốn "điên rồ"

Shark Hưng hỏi cách để thu hồi vốn sau 3-5 năm, dựa trên doanh thu mà CEO đưa ra. Theo ông, điều đó dường như là không thể, vì nhà đầu tư chỉ nhận được 10% lợi nhuận.

Đồng thời, Shark Hưng chỉ ra với sản phẩm quá đơn giản, công ty không cần xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ghép. Vậy, số vốn 5 triệu USD mà các Shark đầu tư sẽ được dùng vào mục đích gì?

Trả lời thắc mắc của "cá mập", CEO Khánh Trình chia sẻ công ty đã nhận được bằng sáng chế của 5 quốc gia, dân số của các quốc gia này là 670 triệu người. Dự kiến chỉ cần chiếm được 1% thị thường, đã thu được doanh thu 670 triệu USD.

Công ty cần vốn để đẩy mạnh thương hiệu. 20-30% số vốn sẽ được đầu tư cho Marketing, quảng cáo trên Truyền hình ở các nước phát triển như Mỹ, Úc…Số còn lại đầu tư cho sản xuất.

Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 5.
Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 6.

Shark Bình quá "phũ", duy chỉ có Shark Dũng có những đánh giá tích cực về sản phẩm

Shark Nguyễn Hòa Bình dù mới tham gia chương trình nhưng đã sớm thể hiện sự dứt khoát, có phần hơi "phũ" khi không tiếc lời "vùi dập" các start-up.

Ông nói: "Em đang làm mất thời gian của chương trình, bởi vì những con số em đưa ra hơi buồn cười.

Anh giải thích về việc định giá của em, vì sao nó phi lý? Lợi nhuận của em khoảng 400 triệu, cho hẳn 500 triệu đồng/tháng đi. Như vậy mỗi năm công ty có lợi nhuận khoảng 6 tỷ đồng.

Như vậy, giỏi lắm thì doanh nghiệp của em định giá được 30 tỷ là cao nhất, chưa kể đến các rủi ro trong kinh doanh.

Ngay như Shark Tank Mỹ, nền kinh tế phát triển hơn nước ta đến 10 lần, mà deal cao nhất cũng chỉ đến 2,5 triệu USD cho 10%, định giá công ty có 25 triệu USD.

Chưa kể deal lớn nhất lại là thất bại nhất của Shark Tank Mỹ, trong khi những công ty gọi vốn thấp lại làm ăn rất hiệu quả. Do đó, các em phải tỉnh ra, đừng "ngáo giá" nữa. Anh quyết định không đầu tư"

Giống như Shark Bình, các Shark còn lại cũng đồng quan điểm không đầu tư cho Công ty Khánh Trình.

Shark Phạm Thanh Hưng "lạnh lùng" không kém: "Theo anh, ý tưởng sản xuất mấy khung sắt này mà em kêu gọi mức giá 5 triệu USD thì quả thật quá điên rồ. Em nên về sản xuất máy in tiền thì may ra một năm mới in đủ 5 triệu. Anh không đầu tư"

Start-up bị Shark nhận định phũ em đang bị ngáo giá, điên rồ sau màn gọi vốn khủng - Ảnh 7.

Màn gọi vốn của CEO Khánh Trình được cho là bị "vùi dập" nhiều nhất Shark Tank mùa 3, tính đến thời điểm này

Shark Nguyễn Mạnh Dũng cũng cho rằng phân tích của CEO là thiếu căn cứ, không hợp lý, thể hiện sự thiếu kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh của một start-up trẻ xuất thân là nhân viên ngân hàng.

Tuy nhiên, ông khiến start-up có hy vọng và các "cá mập" khác bất ngờ khi nhận định đây là sản phẩm rất thực tế, thị trường nước ngoài có nhu cầu lớn. Sau khi hỏi kỹ hơn về thị trường, doanh số, chiến lược bán hàng cụ thể, Shark Dũng kết luận:

"Cho dù em xuất thân là ai, nhưng khi đã làm kinh doanh thì phải có tư duy kinh doanh, bám sát thực tế.

Thị trường tiêu thụ chính của em là Amazon Mỹ, mỗi bộ xuất đi Mỹ lãi 70% là khá tốt, vì thị trường Mỹ phần lớn người dân quan tâm đến hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời.

Em chỉ cần tập trung phát triển thị trường này cho tốt và không cần số vốn lớn như thế, hiện tại em có thể tự mình làm được và không phải nhiều ý tưởng quá cũng tốt, chỉ cần đầu tư tập trung vào cái ban đầu cho ổn định đã"

Mặc dù không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ vốn nào từ các "cá mập", nhưng CEO Khánh Trình vẫn thu về được nhiều kinh nghiệm quý giá sau khi tham gia Thương vụ bạc tỷ.

Start-up chia sẻ sẽ vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu công ty.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại