Đi đường vòng thâu tóm Sabeco, người Thái đang toan tính gì?

Bá Lâm |

Lấy tư cách là nhà đầu tư trong nước, việc chào mua “tối thiểu” 25% vốn cổ phần của Sabeco (HOSE: SAB) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ đánh bật hết các đối thủ ngoại tiềm năng khác trong đợt đấu giá 53,59% cổ phần Sabeco do nhà nước nắm giữ?

Mới đây nhất, Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm 18h ngày 11/12/2017, Công ty Vietnam Beverage là nhà đầu tư duy nhất đăng ký mua từ 25% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco trong đợt đấu giá sắp tới.

“Bàn tay” của tỷ phú Thái

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Vietnam Beverage có mã số thuế 0108014953, chỉ mới được cấp vào ngày 6/10/2017 vừa qua, cơ quan Thuế đang quản lý doanh nghiệp này là Chi cục Thuế Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vietnam Beverage là bà Trần Kim Nga và ông Michael Chye Hin Fah.

Ông Michael Chye Hin Fah cũng không xa lạ trong giới đầu tư tại Việt Nam khi vừa là Giám đốc phụ của Fraser and Neave (Công ty mẹ của F&N Dairy Investment), vừa kiêm là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), đại diện phần vốn của F&N Dairy Investments tại Vinamilk.

Theo dữ liệu đăng ký kinh doanh, Vietnam Beverage có vốn điều lệ hơn 681 tỷ đồng và được sở hữu 100% bởi Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam.

Tuy nhiên, sở hữu 49% vốn của F&B Alliance Việt Nam lại là một doanh nghiệp nước ngoài có tên Beerco Limited và Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage - Tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.

Điều đặc biệt là, Thai Beverage mới chỉ mua lại 49% cổ phần F&B Alliance Việt Nam chỉ với vỏn vẹn... 4.321 USD (gần 100 triệu đồng) vào cuối tháng 11/2017 vừa qua.

Như vậy, từ những dữ liệu trên, có thể thấy rõ ràng đằng sau sự sở hữu “lòng vòng” ấy là bóng dáng của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - Một nhà đầu tư nổi tiếng người Thái Lan đã từng “thâu tóm” thành công Phú Thái Group (một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng) từ năm 2013 và Hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam hồi năm 2015 (nay là MM Market); hiện cũng đang sở hữu 19% vốn của Vinamilk và một loạt chuỗi các cửa hàng B's mart tại Việt Nam...

Vì sao tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi phải đi “đường vòng” trong việc mua cổ phiếu Sabeco?

Thực tế, theo quy định của Bộ Công thương, giới hạn nhà đầu tư nước ngoài sở hữu Sabeco chỉ là 49%. Sau khi trừ đi tỷ lệ vốn nước ngoài đang nắm giữ trên thị trường khoảng hơn 9%, thì nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ được sở hữu tối đa 38,59% vốn trong đợt chào mua lần này.

Vì vậy, dù hãng bia Thái Lan hiện đang sở hữu 49%, nhưng Vietnam Beverage vẫn là một doanh nghiệp trong nước và có thể mua tối đa số cổ phần tại Sabeco mà Bộ Công Thương chào bán trong phiên đấu giá ngày 18/12 tới.

Đi đường vòng thâu tóm Sabeco, người Thái đang toan tính gì? - Ảnh 1.

Nhiều ẩn số trong thương vụ "đường vòng" thâu tóm Sabeco của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi

Đâu là đích nhắm của người Thái?

Còn nhớ hồi tháng 9/2016, Bia Chang của hãng bia ThaiBev chính thức có mặt tại Việt Nam. Ban đầu, Bia Chang được bán tại chuỗi siêu thị MM Mega Market (Cash and Carry Việt Nam trước đây do Berli Jucker Plc (BJC), một chi nhánh của ThaiBev mua lại).

Thêm vào đó, Công ty Phú Thái và Thai Corp thuộc BJC sẽ tiếp sức phân phối Bia Chang tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Việt Nam của “gã nhà giàu” Thái Lan cũng không hề suôn sẻ khi chỉ có một bộ phận người tiêu dùng ở TP.HCM và Cần Thơ, Hà Nội sử dụng; còn phần lớn người tiêu dùng vẫn thích vị bia truyền thống, bia hơi Hà Nội hay độ đậm đà khác biệt của bia Sài Gòn, cái nhẹ nhàng của Heineken...

Tham vọng “đánh bật” Habeco, Sabeco hay những hãng bia ngoại khác đã ăn sâu ở thị trường Việt Nam như đã từng làm với Singha và Carlsberg tại Thái Lan của Bia Chang dường như chỉ là “trăng trong nước”.

Tuy nhiên, nếu thương vụ mua Sabeco thành công, vị thế của bia Chang có thể sẽ khác.

Thực tế, Sabeco hiện đang giữ thị phần gần 41% và tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu nhờ sự tăng trưởng mạnh ở nhiều phân khúc sản phẩm. Về địa bàn chiếm lĩnh, Sabeco cho thấy rõ đã thành công khi "bành trướng" ra phía Bắc với dòng sản phẩm cao cấp là bia Saigon Special và hút về phía mình lượng khách vốn của Habeco.

Đặc biệt, Sabeco cũng là hãng bia có nền tảng vững chắc nhất tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng, số lượng nhà máy, hệ thống phân phối... Cụ thể, nếu Heineken chỉ có 5 nhà máy sản xuất bia, Habeco có 15 thì Sabeco có tới 24 nhà máy.

Hệ thống phân phối của Sabeco thông qua Sabeco Trading cũng trải rộng khắp cả nước với các chi nhánh vùng, có quan hệ với 1.200 nhà phân phối (gấp gần 5 lần số lượng của Heineken).

Nếu tận dụng các nhà máy sản xuất, chiếm lĩnh hệ thống phân phối, bán lẻ mà Sabeco đã tốn công gây dựng để đưa sản phẩm Bia Chang vào. Có thể, chiến lược “thống lĩnh” thị trường bia Việt của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ đi đến thành công hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại