Thông tin đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quí 2 do UBND tỉnh TT-Huế tổ chức chiều qua.
Buổi họp báo thường kì quí 2. Ảnh: Quang Thành
Vẫn di dời lăng mộ
Ông Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở VH-TT cho hay, đối chiếu hồ sơ quản lý di tích cùng tài liệu thì không thấy lăng mộ này thuộc di tích nào, chưa được xếp hạng. Tuy nhiên quan điểm của Sở là dù lăng mộ của ai cũng phải được đối xử công bằng, đúng pháp luật, có văn hóa.
Ông Bình khẳng định: “Quá trình triển khai dự án, dù công ty Chuỗi Giá Trị chưa được trung tâm phát triển quỹ đất của TP.Huế và UBND TP Huế, UBND phường Thủy Xuân bàn giao mặt bằng nhưng vẫn thi công là không đúng.
Quan điểm của Sở là vẫn thống nhất chủ trương di dời lăng mộ này đến vị trí khác để thực hiện dự án, đảm bảo quy hoạch, phát triển kinh tế”.
Trong khi đó, ông Võ Lê Nhật - Phó chủ tịch UBND TP Huế lại thông tin, trước khi dự án được triển khai, TP đã giao trung tâm phát triển quỹ đất TP kiểm kê lăng mộ, phần đất người dân bị ảnh hưởng để áp giá đền bù. |
“Kết quả kiểm kê cho thấy, trong vùng dự án có 326 ngôi mộ phải di dời. Trong đó có 82 ngôi mộ vô chủ. Trung tâm phát triển quỹ đất TP đã nhiều lần thông báo cho nhân dân biết, liên hệ để làm thủ tục bồi thường nhưng không ai đến liên hệ”, ông Nhật nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Dung khẳng định, từ trước đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là việc “cực kì khó khăn”.
Đã thống nhất di dời?
“Với dự án bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức - lăng Đồng Khánh, UBND tỉnh đã từng có tờ trình và được Bộ VH-TT-DL chấp thuận chủ trương đầu tư.
Sau khi phát hiện khu lăng mộ vợ vua Tự Đức trong khuôn viên dự án, tỉnh đã họp các sở, ban ngành và thống nhất di dời lăng mộ ra khỏi khu vực dự án”, ông Nguyễn Dung nói.
Trước thông tin dòng tộc Nguyễn Phước sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng cũng như Hội đồng di sản Thế giới, ông Dung cho rằng, đây là quyền của công dân và dòng họ.
“Tuy nhiên, mọi ý kiến, kiến nghị của dòng họ Nguyễn Phước vẫn đang được chính quyền xem xét, cân nhắc để có hướng giải quyết hợp lí”, ông Dung nói.
Như đã đưa tin, ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện chủ đầu tư đã chịu trách nhiệm về sai phạm, đồng thời hứa sẽ khắc phục lại hiện trạng ngôi mộ vợ vua Tự Đức.
Trong khi dòng tộc Nguyễn Phước yêu cầu chủ đầu tư phục dựng lại ngôi mộ tại vị trí cũ thì các cấp chính quyền của TP Huế, tỉnh TT-Huế lại đưa ra phương án di dời ngôi mộ đến vị trí khác, “nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án" khiến dòng tộc Nguyễn Phước thêm bức xúc.