Một buổi sáng vào năm 1988, anh nông dân Khương Diên Phương ở làng Khương Giao, Hàm Đan, Hà Bắc, Trung Quốc, khi đang dùng xẻng đào cát về sửa nhà thì phát hiện một vật thể bằng đá khổng lồ và cổ kính.
Sau khi quan sát kỹ, người đàn ông này cho rằng vật mình đào được trông giống như một con rồng đang uốn lượn nằm trên mặt đất. Cảm thấy đây có thể là cổ vật xa xưa nên Khương Diên Phương đã lập tức thông báo cho dân làng và chính quyền địa phương. Khu vực phát hiện “con rồng đá” được yêu cầu phong tỏa. Ngay sau đó, một nhóm điều tra gồm nhiều chuyên gia đã vội vã đến địa điểm xảy ra vụ việc và bắt đầu một cuộc khai quật quy mô lớn.
Ảnh: Toutiao
Thông qua các phép đo chuyên nghiệp bằng cảm biến từ xa, các chuyên gia nhận thấy con rồng đá này cao 2,5m, rộng 4,6m và dài 369m. Tuy nhiên, không chỉ một con rồng đá được phát hiện mà có tất cả 10 con ở khu vực đó. Hai bên con rồng đá khổng lồ này là 9 con rồng đá với kích thước nhỏ hơn, gồm 5 con bên trái và 4 con bên phải, được sắp xếp một cách có trật tự.
Trước hiện tượng “Thập long quy tụ” này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Chúng (rồng đá) đến từ đâu? Dùng để làm gì?"...càng thôi thúc các chuyên gia bắt tay vào nghiên cứu để đi tìm câu trả lời.
Những giả thuyết xung quanh rồng đá
Người dân Hà Bắc quan niệm rằng rồng đá này được xem là vật canh giữ lăng mộ của vua nhà Triệu. Dân làng cho biết có một ngôi mộ của vua Triệu cách chỗ phát hiện con rồng đá này 1,5km. Vì vậy họ khẳng định rằng con rồng đá khổng lồ là vật được chạm khắc và có mối liên hệ bí ẩn với ngôi mộ kia.
Tuy nhiên, giáo sư Vương Đại Hữu, nhà nghiên cứu văn hóa rồng nổi tiếng của Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời phản bác cho suy đoán của dân làng.
Theo giáo sư này, một công trình nhân tạo quy mô lớn như vậy thường sẽ có ghi chép hoặc ít nhất cũng có câu chuyện được lưu truyền trong địa phương. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, các chuyên gia không tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến con rồng đá này, điều này đặt dấu chấm hỏi cho việc chạm khắc nhân tạo của nó. Do đó, giáo sư Vương tin rằng nó được hình thành một cách tự nhiên chứ không phải từ chạm khắc nhân tạo.
Ảnh: Toutiao
Một số chuyên gia khác cho rằng hình dạng và cấu trúc bên trong của con rồng đá này tương tự như hóa thạch. Tuy nhiên giả thuyết này cũng bị bác bỏ vì bị cho là cường điệu hóa. Các chuyên gia từ Học viện Khoa học chỉ ra rằng xương của “con rồng đá” này không mỏng như xương hóa thạch và không có sự thay đổi về màu sắc. Do đó, họ phủ nhận giả thuyết vật này là một hóa thạch cổ đại.
Những nhà nghiên cứu khác tin rằng con rồng đá này được hình thành tự nhiên. Thông qua điều tra và nghiên cứu địa chất, họ suy đoán rằng nó được hình thành từ khoảng 10.000 đến 120.000 năm trước. Những giả thuyết đưa ra tạo nên luồng tranh cãi khác nhau, khiến cho những nghiên cứu về con rồng đá ở Hàm Đan trở nên phức tạp và thú vị hơn bao giờ hết.
Bí ẩn chưa thể “giải mã”
Để làm rõ hơn “lai lịch” của con rồng đá này, các chuyên gia đã áp dụng các phương pháp khoa học và tiến hành điều tra chi tiết. Họ đi sâu vào nghiên cứu cả địa điểm nơi phát hiện nó, tiến hành cắt lớp và kiểm tra cấu trúc địa tầng để thu thập thêm bằng chứng thông qua khảo cổ học, địa chất và phân tích hóa học chuyên nghiệp.
Giáo sư Vương Đại Hữu đưa ra suy đoán rằng con rồng đá này được hình thành trên bờ biển. Khi xem xét cấu trúc địa tầng tại địa điểm, giáo sư này đã tính toán rằng thời gian hình thành của rồng đá được phát hiện là từ 10.000 đến 120.000 năm. Suy đoán này, dựa trên sự quan sát và phân tích cẩn thận các cấu trúc địa chất, đã đưa ra lời giải thích khoa học.
Không giống như suy đoán của giáo sư Vương, giáo sư Lý Khánh Thần - Cựu giám đốc Viện Khoa học Địa lý tỉnh Hà Bắc, tin rằng nó được hình thành do quá trình kết dính đá vôi của cát sông cổ đại.
Thời gian hình thành là vào cuối kỷ Pleistocen, tức là từ 10.000 đến 120.000 năm trước. Suy đoán này dựa trên sự quan sát và phân tích cát ở lòng sông. Hiện tại, cuộc nghiên cứu và giả thuyết mà Giáo sư Lý Khánh Thần đưa ra được cho là đáng tin cậy hơn, chiếm được sự đồng tình của đa số chuyên gia trong cộng đồng nghiên cứu khoa học.
Mặc dù những suy đoán này vẫn chỉ dừng lại ở giả thuyết, thế nhưng điều này lại trở thành động lực to lớn giúp các chuyên gia tiếp tục tiến hành nghiên cứu, giải mã bí ẩn đằng sau 10 " báu vật" nói trên.
(Theo Toutiao)