Bổ sung nhân sự trong HĐQT
Ngày 20/4/2018, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank - mã STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 tại TP.HCM.
Tại ĐHĐCĐ lần này, ban lãnh đạo Sacombank sẽ trình cổ đông nhân sự bổ sung thay thế ông Kiều Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Sacombank.
Theo đó, 02 ứng viên ứng cử bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2017-2021, gồm:
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank đương nhiệm, sinh năm 1973, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh.
Bà Diễm có quá trình làm việc tại Sacombank từ năm 2002 với vị trí là ban đầu là giao dịch viên, trải qua nhiều vị trí quản lý trong Sacombank. Trước khi trở thành Tổng giám đốc Sacombank ngày 25/7/2017, bà Diễm là Phó tổng giám đốc của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Văn Huynh, sinh năm 1953, cử nhân kinh tế. Ông Huynh tham gia vào hoạt động ngân hàng từ năm 1995 -2005, giữ vị trí cao nhất là Quyền Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Hiện nay, ông Huynh đang đồng thời giữ nhiều vị trí cấp cao trong nhiều công ty, cụ thể: Chủ tịch HĐTV công ty TNHH H.T.H; Thành viên HĐQT công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt; Thành viên HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt; Thành viên HĐQT công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ Tài chính Sài Gòn.
Sacombank dự kiến sẽ giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT là 7 người và BKS là 4 người nhưng tăng số thành viên HĐQT độc lập từ 1 người lên 2 người, đồng thời có 1 thành viên không chuyên trách trong BKS.
Năm 2017, giải quyết được 19.665 tỷ đồng nợ xấu
Báo cáo cổ đông, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết kết thúc năm 2017, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt 368.400 tỷ đồng, tăng 11%.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 338.400 tỷ đồng, tăng 11%, đạt 95% kế hoạch.
Tổng dư nợ tín dụng đạt gần 225.600 tỷ đồng, tăng 12,5%, đạt 100,2% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu là 4,59%, giảm 2,22 điểm phần trăm so với năm trước.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.492 tỷ đồng, gấp 9,6 lần so với năm trước, đạt 255% kế hoạch đặt ra.
Các chỉ số sinh lời cũng được cải thiện đáng kể trong năm 2017: ROE tăng từ 0,4% năm 2016 lên 5,2%, còn ROA tăng từ 0,03% lên 0,34%.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 11,3%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 39,4%. Tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng tiền gửi là 65,7%.
Nguồn: Sacombank.
Về nội dung thực hiện Đề án tái cơ cấu 2016 – 2025:
Các nguồn thu của ngân hàng tiếp tục ổn định, thu lãi thuần phục hồi, tăng trưởng 32,3%; dịch vụ truyền thống tăng vượt bậc gần 29,6%; Lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng Saccombank đạt 1.484 tỷ đồng, đạt 359% kế hoạch.
Xử lý/thu hồi 19.665 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 15.365 tỷ đồng thuộc Đề án.
Năm 2018, chi 37 tỷ đồng thù lao cho HĐQT và BKS
Kế hoạch năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 430.900 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm 2017.
Nguồn vốn huy động đạt 399.000 tỷ đồng, tăng 17,9% và dư nợ tín dụng đạt 255.200 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2017.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.838 tỷ đồng, tăng 23,2%. Tỷ lệ nợ xấu sẽ đưa về mức dưới 3%.
Để đạt được con số lợi nhuận năm 2018, HĐQT Sacombank trình cổ đông thông qua việc trích 20% đối với phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận để thưởng cho nhân viên.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2017, ngân hàng có lợi nhuận sau thuế có thể phân phối năm 2017 là 1.181 tỷ đồng. Trong đó, 5% lãi sau thuế sẽ được dùng để trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% dùng để trích lập quỹ dự phòng tài chính.
Ngoài ra, ngân hàng dùng 181 tỷ đồng dùng để trích thưởng vượt kế hoạch theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2017; 202 tỷ đồng dùng để trích lập quỹ Khen thưởng và Phúc lợi.
Tính đến cuối năm 2017, lũy kế lợi nhuận sau thuế còn giữ lại của ngân hàng là 1.657 tỷ đồng.
Cổ tức năm 2017 và năm 2018 sẽ thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank.
Năm 2018, Sacombank dự kiến chi 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tương ứng gần 37 tỷ đồng để chi thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát (BKS).
Trong chặng đường tới, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết ban lãnh đạo Sacombank quyết tâm rút ngắn 1/2 thời gian xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu, vì còn nhiều tài sản tồn đọng trong nợ xấu nhiều.
Năm 2018, dành gần 14.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để kinh doanh
Năm 2017, Sacombank đã dùng 9.281 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, trong đó có tới 8.650 tỷ đồng để đầu tư vào tài sản cố định, còn lại 631 tỷ đồng góp vốn mua cổ phần.
Kế hoạch năm 2018, Sacombank sẽ dung tới 13.979 tỷ đồng vốn chủ sở hữu dành để kinh doanh sinh lời, trong tổng số 14.868 tỷ đồng vốn chủ sở hữu được đưa vào khai thác. Do đó, chỉ có 889 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định, giảm tới 90% so với năm 2017.
Dự kiến đến cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu của Sacombank là 24.149 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối là 3.128 tỷ đồng.
Thảo luận
Cổ đông buộc ông Dương Công Minh hứa chia cổ tức sau tái cơ cấu
Cổ đông: Xin Ban chủ tọa Sacombank lý giải việc ngân hàng đã không có cổ tức trong 2 năm qua?
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank: Do Đề án tái cơ cấu Sacombank đang thực hiện nên ngân hàng chưa thể chia cổ tức. Sau khi Sacombank sáp nhập ngân hàng TMCP Phương Nam thì mãi đến tháng 6/2017 Đề án tái cơ cấu mới được NHNN phê duyệt.
Theo đó, lợi nhuận phải trích các quỹ để tăng năng lực cho ngân hàng hoạt động nên chưa chia cổ tức, Vì hiện nay, Sacombank có tới 21.000 tỷ đồng lãi dự thu (lãi giả chưa thu thật) nên phải trích lập vào chi phí hằng năm.
Cổ đông: Lương và thu nhập của cán bộ Sacombank ra sao khi năm 2018 ngân hàng dành thưởng tới 20% lợi nhuận vượt?
Ông Dương Công Minh: Năm 2017, lương bình quân của CBNV Sacombank là 11 triệu đồng/người, Eximbank là 14 triệu đồng, ACB là 21 triệu đồng, MB là 26 triệu đồng. Còn thu nhập bình quân của ACB và MB đều là 26 triệu đồng/người/tháng, Sacombank là 16 triệu đồng.
Nên HĐQT của Sacombank rất cân nhắc và xin ý kiến trích thưởng cho CBNV đối với lợi nhuận vượt, vì sau sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam tỷ lệ xin thôi việc của Sacombank lên tới 35%.
Hiện mức lượng của Sacombank chưa cạnh tranh và nhân sự đang bị các ngân hàng khác lôi kéo. Giải pháp là đẩy lương kinh doanh lên và khoán tài chính để tăng thu nhập cho CBNV Sacombank.
Cổ đông: Xin cho biết kế hoạch xử lý nợ xấu cụ thể từ 4,59% xuống 3,5%?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank: Năm 2018, Sacombank dự kiến xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thực hiện theo quý để khi hết quý II nợ xấu còn 3,6%, đến quý IV còn dưới 3%.
Kết quả kinh doanh quý I/2018, tín dụng tăng 3%, lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm.
Về kế hoạch bổ sung 1.400 tỷ đồng cho các công ty con, trong đó sẽ dành 483 tỷ đồng cho ngân hàng Sacombank Campuchia, tăng bổ sung vốn cho công ty tài chính.
Cổ đông: Ngân hàng kinh doanh có lời, thưởng cho CBNV, còn cổ đông 2 năm rồi chưa có cổ tức, vì sao?
Ông Dương Công Minh: Đầu tư cổ phiếu thì có 2 cách sinh lợi: lợi từ cổ tức và hoặc lợi do chênh lệch giá cổ phiếu.
Đề án tái cơ cấu của Sacombank đã trình NHNN và Sacombank đã cố gắng xử lý nợ xấu năm 2017 tới 20.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 10.000 tỷ đồng. Cổ đông là chủ ngân hàng mua cổ phần mong có lợi thì phải có người làm (đó là CBNV) ra lợi nhuận đó. Do vậy, để họ làm ra lợi nhuận thì phải trả công xứng đáng cho họ.
Cổ đông: Sắp tới, Sacombank có mua ngân hàng khác hay công ty nào không? Thời điểm nào thì hoàn tất Đề án Tái cơ cấu?
Ông Dương Công Minh: Việc sáp nhập thêm ngân hàng khác là không có.
Ngân hàng sẽ tăng quy mô cho Sacombank Lào và Campuchia và tăng quy mô 4 công ty con.
Sau 5 năm mới có thể xử lý toàn bộ 21.000 tỷ đồng lãi dự thu. Nếu 5 năm không xong thì tôi sẽ ra đi khỏi Sacombank.
Về mô hình hoạt động, trước đây là bán chuyên trách, nay là HĐQT điều hành ngân hàng, Ban điều hành thực hiện các định hướng của HĐQT.
6 tháng cuối năm 2017, HĐQT đã họp 131 phiên chỉ trong 180 ngày, nghĩa là chúng tôi làm việc tới 300%, cá nhân tôi làm việc tới 1.000% so với sức làm việc tại LienVietPostbank trước kia. Đây là mô hình HĐQT chuẩn nhất so với chuẩn quốc tế.
Cổ đông: Lợi nhuận đã tăng lên nhưng EPS còn quá thấp, năm 2017 là 555 đồng, so với nhiều công ty có EPS tới 10.000 đồng. Sacombank làm sao tăng lợi nhuận trong cổ phiếu Sacombank?
Ông Dương Công Minh: Cuối năm 2017, tổng tài sản của Sacombank khoảng 362.000 tỷ đồng. Khi chúng tôi vào tái cơ cấu, đã có tới 100.000 tỷ đồng là tài sản có không sinh lời. Sau khi xử lý đực 20.000 tỷ đồng nợ xấu thì còn 80.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời.
Trong 3-5 năm tới nếu xử lý xong khối tài sản này thì EPS sẽ tăng lên. Do đó, cổ phiếu STB khó có thể tăng mạnh trong thời gian tái cơ cấu.
Cổ đông: Chi phí 600 tỷ đồng bất hợp lý của năm 2015 – 2016 là gì và khắc phục ra sao? Tỷ lệ chia cổ tức theo Đề án tái cơ cấu thì chia cụ thể như thế nào? Cổ phiếu STB lên giá theo xu hướng chung chứ không phải do việc làm của HĐQT?
Chủ tịch trả lời là ai không thích thì bán cổ phiếu Sacombank thì bán đó là coi thường cổ đông?
Ông Dương Công Minh: Tôi nói thế để cổ đông hiểu rằng việc lựa chọn đầu tư là lựa chọn của cổ đông. Về xu hướng cổ phiếu, nếu năm qua Sacombank không xử lý nợ xấu thì giá có tăng nổi không? Xu hướng chung nhưng phải có nội tại công ty. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Eximbank muốn tăng cũng không tăng nổi.
Đối với công ty cổ phần có 2 loại cổ đông: cổ đông đầu tư vào ngân hàng thì muốn làm sao ngân hàng tăng trưởng tốt, có cổ đông làm sao giá cổ phiếu tăng tốt để bán. Chúng tôi không quan tâm đến cổ đông làm sao tăng giá và không chấp nhận những cổ đông đó.
Chúng tôi cũng là người bỏ tiền đầu tư vào Sacombank và cũng mong hưởng cổ tức.
Số tiền 600 tỷ đồng là kiểm toán cảnh báo chứ không phải là bất hợp lý, nếu không làm sao hạch toán được.
Trước khi chia cổ tức, ngân hàng phải trích lập các quỹ, trích lập hết rồi thì lấy đâu chia cổ tức.
Cổ đông: Tôi là cổ đông lâu năm của Sacombank, nhưng đến nay 2 năm chưa có cổ tức. Có thể đẩy nhanh việc chia cổ tức không?
Ông Dương Công Minh: Ai cũng vậy, góp vốn để lấy lãi. Tôi khẳng định cố gắng 3-5 năm xử lý xong lãi dự thu. Chúng tôi sẽ đề nghị NHNN nghiên cứu điều chỉnh và Sacombank cũng xin lập điều chỉnh Đề án để dành 1 phần chia lãi cho cổ đông, ít cũng là vui.
Cố gắng năm 2018 hoặc đến năm 2019 chúng tôi xin NHNN cho trích 1 phần lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông. Sau khi tái cơ cấu xong thì đều có cổ tức và năm sau cao hơn năm trước.
Cổ đông: Ngân hàng có chiến lược gì cạnh tranh bán lẻ?
Ông Dương Công Minh: Về cạnh tranh bán lẻ thì Saocmbank là ngân hàng số 1 kể cả đối với ngân hàng quốc doanh hay ngân hàng quốc tế tại Việt Nam.
Về kinh doanh thẻ, POS đi đầu Việt Nam. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiến tới ngân hàng số, khách hàng sẽ thực hiện vay qua ví điện tử…
Về thực hiện Basel II, Sacombank đạt chuẩn và thực hiện quản trị rủi ro tốt nhất, đến 31/12/2019 sẽ hoàn thiện Basel II.
Cổ đông: Năm 2013, ngân hàng đem hơn 1.000 tỷ đồng cho Công ty 584 vay, sau đó Công ty 584 cho Him Lam vay và trở thành khoản nợ xấu. Xin HĐQT lý giải?
Ông Dương Công Minh: Công ty 584 vay hơn 1.000 tỷ đồng và hợp tác với Him Lam làm dự án Tân Hưng, quận 7 (TP.HCM), hiện còn 284 tỷ đồng đang xử lý và nợ này từ ngân hàng Phương Nam chuyển qua chứ không phải của Sacombank.
Chuyện của Him Lam dính từ thời trước. Khi tôi vào Sacombank thì tất cả những dính dáng đến Him Lam đã được xử lý. NHNN soi tôi còn hơn vợ tôi soi tôi.