Năm 2015, doanh thu thuần Masan Resources đạt 2.658 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt trên 84 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2014.
Trong đó lợi nhuận ghi nhận về cho chủ sở hữu công ty 152 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà máy Masan Resources đã sản xuất được các sản phẩm APT, YTO, BTO chất lượng cao.
Tổng lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2015 lên đến 2.441 tỷ đồng. Tuy vậy, HĐQT công ty cũng trình phương án không chia cổ tức.
Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho rằng để thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường Vonfram thế giới, công ty cần giữ lại nguồn vốn để tái đầu tư cho tương lai.
Mục tiêu Masan Resources đặt ra là có thể dẫn dắt sự thay đổi của thị trường Vonfram toàn cầu.
Theo chủ tịch Nguyễn Đăng Quang: “Chúng ta không thể dự báo được tương lai nhưng có thể kiến tạo nó. Đó là con đường Masan đang làm để khai mở tiềm năng Việt Nam, khai mở kho báu quốc gia”.
Tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2016
Kế hoạch năm 2016, Masan Resources đặt chỉ tiêu doanh thu 4.500 đến 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đặt mức 220 đến 660 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng từ 45% đến 334%.
Việc kế hoạch lợi nhuận chênh lệch mạnh được đại diện Masan Resources cho rằng bởi thị trường Vonfram thế giới biến động khá mạnh và khá khó để dự báo chính xác.
Để sẵn sàng ứng phó với một năm tiềm tàng nhiều biến động trước mắt, Công ty đã và đang áp dụng một loạt các biện pháp để kiểm soát tốt hơn rủi ro.
Trên 90% sản lượng dự tính của Công ty trong năm 2016 đã được cam kết tiêu thụ theo các hợp đồng bao tiêu dài hạn với những khách hàng ổn định và có uy tín.
Trong năm 2016, Masan Resources cũng dự kiến đầu tư 800 – 900 tỷ đồng vào các tài sản cố định. Kế hoạch này không bao gồm các giao dịch mua bán và sáp nhập tiềm năng.
Masan Resources cũng đề xuất việc nâng số lượng thành viên HĐQT lên 6 thay vì 4 thành viên như hiện nay để phù hợp hơn với tình hình phát triển của doanh nghiệp.