Thành ngữ "Đều như vắt chanh" là một cách diễn đạt quen thuộc và được sử dụng khá rộng rãi tuy nhiên liệu nó có thực sự chính xác?
Được biết, câu nói này thường được sử dụng để mô tả sự đều đặn, lặp lại trong một hành động hoặc sự việc nào đó. Tuy nhiên, nếu xét về mặt thực tế, thao tác vắt chanh khó có thể thực hiện một cách hoàn toàn đều đặn. Lượng nước chanh thu được mỗi lần vắt sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước quả chanh, lực vắt, độ mọng nước của quả,...
Thực chất, thành ngữ được cho là chính xác ở đây phải là "Đều như vắt tranh". Theo đó, cụm từ này ám chỉ là hành động dùng cây cỏ tranh để lợp mái nhà, khi đó người ta dùng cỏ tranh đan vào nhau thành từng vắt một đều tăm tắp, nên gọi là vắt tranh.
"Vắt" trong trường hợp này không phải là động từ "vắt" chanh, mà là một danh từ chỉ từng lượng được đong đếm, tương tự như vắt cơm, vắt xôi,... "Đều như vắt tranh" nghĩa là mọi thứ được thực hiện một cách đồng đều, giống như những vắt tranh đều đặn, tăm tắp được tạo ra trong quá trình lợp mái nhà tranh. Do nhiều người không biết "tranh" là gì hoặc do thói quen vùng miền, nên họ đọc thành "chanh" và lâu dần thành một câu thành ngữ thông dụng.
Với thế hệ trẻ, cỏ tranh có thể là một vật liệu mới lạ. Tuy nhiên, trước đây, nó lại là vật liệu phổ biến để làm nhà. Cỏ tranh là loại cây sống lâu năm, có thân rễ lan dài và ăn sâu dưới đất. Cây mọc hoang dại và phân bố rộng rãi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta và nhiều quốc gia có khí hậu nhiệt đới trên thế giới.
Để làm nhà bằng cỏ tranh, người ta thường bện cỏ thành từng tấm có kích thước phù hợp với ngôi nhà, gọi là "đánh tranh". Kỹ thuật đánh tranh khá phức tạp và đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Các nắm sợi tranh (hay còn gọi là "một vắt") phải đều tăm tắp để khi lợp lên mái nhà trông đẹp và không bị thấm nước mưa.
Để đánh tranh, người thợ sử dụng một tay nắm những sợi tranh thành một vắt. Muốn các vắt tranh đều tăm tắp, họ phải ước lượng lượng sợi tranh vừa đủ sao cho khi ngón cái chạm tới ngón trỏ. Nếu ít hơn, họ sẽ thêm vào và ngược lại.
Nếu các vắt tranh không đều, khi lợp lên mái nhà sẽ dễ bị thấm nước mưa và nhìn không đẹp mắt. Trong khi một tay nắm vắt tranh, tay kia phải khéo léo đưa vắt tranh vào hom (3 thanh tre được vót thành sợi có chiều dài bằng tấm tranh) và chỉnh cho đều.
Mặc dù ngày nay, các vật liệu lợp mái nhà hiện đại như ngói, tôn đã trở nên phổ biến, nhưng cỏ tranh vẫn giữ vị trí quan trọng trong văn hóa và kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nhờ sự mộc mạc, giản dị và mang đậm dấu ấn quê hương, những ngôi nhà tranh vẫn luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách và những người yêu thích nét đẹp truyền thống.