Mới đây, CTCP Kỹ Nghệ Lạnh (Searefico- SRF) vừa công bố thông tin Tòa án nhân dânTp.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.
Hiện, Searefico có hợp đồng thi công cùng Descon với tư cách là Nhà thầu phụ tại các dự án mà Descon đang thực hiện với vai trò Nhà thầu chính, do đó Searefico đã gởi thông báo các khoản nợ của Descon tới TAND Tp.HCM để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại.
Việc Toà án mở thủ tục phá sản đối với DESCON là để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ và thực tế chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Việc chậm thanh toán của DESCON đã kéo dài khá lâu và một số khoản nợ đã được trích dự phòng từ những năm trước. Đối với Searefico, Descon có khoản phải trả ngắn hạn 23,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017.
Liên tục chuỗi ngày sóng gió
Desco là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng. Công ty lên niêm yết vào cuối năm 2007 và từng khá "nổi tiếng" khi trở thành mục tiêu thâu tóm của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy và Bình Thiên An.
Sức hấp dẫn của DCC không chỉ dừng lại ở thương hiệu, mà còn một loạt công trình và dự án DCC đang triển khai. Trong đó, riêng Dự án PRECHE (quận 2, Tp.HCM) đã có giá thị trường khoảng 25-30 triệu USD, xấp xỉ vốn hóa Công ty thời điểm bấy giờ.
Nhóm cổ đông mới thâu tóm Desco với kỳ vọng nâng cao năng lực, cách mạng hệ thống tài chính… Song kỳ ĐHĐCĐ đầu tiên lại xảy ra tranh cãi đầy căng thẳng liên quan đến việc "chuyển giao quyền lực" giữa hai nhóm lãnh đạo mới cũ. Kết quả là, trung tuần tháng 12/2010, ĐHCĐ bất thường của Descon đánh dấu sự ra đi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó.
Lúc bấy giờ, nhóm cổ đông lớn Bình Thiên An đã giành quyền lãnh đạo tại khi sở hữu chính danh chỉ 21,6% số cổ phần, thậm chí công tác "chuyển giao quyền lực" diễn ra khá chóng vánh chưa đầy 6 tháng.
Đến tháng 10/2011, cổ phiếu DCC đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin, cũng kể từ đó thông tin về Descon gần như bặt tăm trên thị trường.Lúc đó, cũng đã có nhiều nhận xét rằng Descon có thể không công bố thông tin đúng quy định để "được" hủy niêm yết bắt buộc nhằm rút lui khỏi thị trường để tái cấu trúc.
Sóng gió chưa dừng lại, một năm sau đó, Ban kiểm soát Descon và một nhóm cổ đông bất ngờ có đơn thư kêu cứu cơ quan quản lý và cáo buộc các sai phạm tại Công ty. Thời điểm này, kinh doanh Descon cũng đi vào chuỗi ngày trầy trật.
Sự việc Tòa án mở thủ tục phá sản là thông tin khá bất ngờ trước việc kết quả kinh doanh những năm gần đây không phải là xấu. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 7/2018, công ty vẫn còn những kế hoạch tham vọng như phát hành 12,46 triệu cổ phiếu thưởng cũng như chào bán 48 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đặc biệt, Descon cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trở lại HoSE sau khi bị hủy niêm yết hồi năm 2011.
Tại thời điểm cuối năm 2017, Descon có gần 1.500 tỷ nợ ngắn hạn và 880 tỷ nợ dài hạn. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy tại thời điểm trên, Descon vay ngắn hạn 525 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng và 200 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Dấu ấn doanh nhân Trịnh Thanh Huy
Tính đến 31/12/2017, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng gồm 2 cổ đông lớn là ông Trịnh Thuy Huy (56,2%) và Cty TNHH Mascon (13,8%). Ông Trịnh Thanh Huy vốn không phải là cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán.
Doanh nhân sinh năm 1970 này được biết đến là người đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh gây dựng tập đoàn Masan tại Nga cũng như khi trở về Việt Nam.
Năm 2006, ông Huy tham gia thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bình Thiên An được biết đến là một phần của Kusto Group, tập đoàn đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam như Coteccons, Gemadept, CTCP Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VCM) - mới đây đã bán lại cho Tập đoàn SCG ...
Cộng tác với phía Bình Thiên An một thời gian, ông Huy đã ra riêng và tham gia thành lập nên HB Group với nòng cốt là Cty TNHH Thương mại Đầu tư HB. Dự án tiêu biểu nhất của HB Group là New Hội An City có quy mô lên đến 1,5 tỷ USD tại Hội An.
Bên cạnh Descon, ông Huy cùng các công ty có liên quan cũng thực hiện một số thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp trên sàn khác như Beton6 (BT6) hay Vinafco (VFC).
Hiện phần lớn cổ phần của Vinafco đã được bán lại cho The Shibusawa Warehouse của Nhật Bản còn Beton6 cũng bước vào thời kỳ kinh doanh bết bát. Nửa đầu năm 2018, Beton6 lỗ tiếp 43 tỷ sau khi lỗ 139 tỷ đồng năm trước.