Trong 3 năm trở lại đây, phong trào săn lùng danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp thế giới trở nên nở rộ. Nhiều người mẫu, người đẹp trong làng giải trí Việt khá hào hứng với các cuộc thi mang tầm vóc lớn. Những danh hiệu quốc tế, thế giới luôn được đánh giá cao và giúp họ nâng tầm đằng cấp.
Trong hành trang của các thí sinh, trang phục dân tộc luôn giữ vị trí quan trọng. Nó không đơn thuần là bộ trang phục giúp thí sinh cuốn hút hơn mà còn thể hiện được nét đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia.
Nếu như ở thời của Hà Kiều Anh, Phương Mai, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Võ Hoàng Yến... trang phục dân tộc chủ yếu của các người đẹp là áo dài truyền thống được tô điểm thêm những họa tiết bắt mắt.
Nhưng xét về mặt trình diễn, những bộ áo dài đôi khi lại quá đơn điệu và không tạo nên ấn tượng mạnh mẽ bằng những trang phục kết khối cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ của thí sinh các nước bạn. Cũng từ lý do đó mà các NTK trẻ đã tìm ra một giải pháp mới. Trang phục truyền thống được lấy ý tưởng từ những nhân vật trong truyền thuyết.
Khó có thể phủ nhận ấn tượng mạnh mẽ mà các bộ trang phục dân tộc này mang lại khi được các nhà thiết kế chia sẻ là lấy ý tưởng từ hình tượng các nhân vật trong lịch sử hay truyền thuyết.
Cách kết khối cầu kỳ, việc sử dụng những chất liệu tổng hợp, sử dụng vải thổ cẩm, hoa văn trên trống đồng... là công thức chung để tạo nên những bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các kỳ thi sắc đẹp. Song việc quá tham trong cách tạo sự độc đáo, mới lạ đã dẫn đến cái nhìn sai lệch về văn hóa Việt.
Nhân vật trong truyền thuyết bị “biến dạng”. Hình tượng nhân vật trong văn hóa dân gian bị xuyên tạc một cách không thương tiếc. Sự cách tân thái quá, thiếu chiều sâu trong cách tạo hình vô tình hủy hoại những nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc.
Trúc Diễm – Mẹ Âu Cơ
Năm 2011 tại cuộc thi Miss International 2011,Trúc Diễm xuất hiện trong tạo hình mẹ Âu Cơ. Vẫn biết rằng việc thiết kế không phải tái hiện hoàn toàn hình ảnh mẹ Âu Cơ trong truyện cổ mà chỉ là cách lấy ý tưởng. Song việc sáng tạo của các NTK trẻ vô tình phản ánh không đúng sự thật.
Bộ trang phục vẫn sử dụng các họa tiết như chim hạc trên hoa văn trống đồng, vải thổ cẩm trong khâu thiết kế. Nhưng theo nhận xét của độc giả và các nhà thiết kế thì nét Việt trong bộ trang phục bị nhấn chìm trong hình ảnh game Phong Thần.
Trúc Diễm với bộ trang phục lấy ý tưởng từ hình ảnh Mẹ Âu Cơ
Ngọc Oanh – vũ nữ Apsara
Trong cuộc thi Siêu mẫu Quốc tế 2012, giải bạc Siêu Mẫu 2011 Ngọc Oanh cũng giới thiệu bộ trang phục dân tộc có tên gọi "Vũ khúc ngàn năm" lấy cảm hứng từ vũ nữ Apsara trong văn hoá của dân tộc Chăm.
Ngay sau khi hình ảnh Ngọc Oanh và bộ trang phục được gọi là truyền thống đăng tải trên mạng, hầu hết bộ trang phục đều nhận được sự chỉ trích khá nặng nề. Tổng thể bộ trang phục là sự lắp ghép một cách vụng về giữa trang phục của người Việt, người Chăm, người H'mông, người Ê đê.
Bên cạnh việc trộn lẫn một cách thiếu tinh tế các yếu tố văn hóa, bộ trang phục còn bị lên án là quá gợi cảm với những khoảng hở táo bạo.
Tuy bộ trang phục của Ngọc Oanh được giải trang phục dân tộc ấn tượng nhưng vô hình chung các NTK trẻ mang đến cái nhìn lệch lạc về trang phục truyền thống Việt Nam. Bởi trong lịch sử không tồn tại hình ảnh vũ nữ Apsara giống như tạo hình của Ngọc Oanh tại cuộc thi Siêu mẫu Quốc tế 2012.
Ngọc Oanh trong bộ trang phục lấy ý tưởng từ vũ nữ Apsara
Nam Thành – Thánh Gióng
Sau những cuộc thi sắc đẹp quốc tế, chương trình truyền hình thực tế trong nước Nam Thành dần trở thành cái tên quen thuộc của làng giải trí Việt. Anh cũng là người nhận được những ý kiến trái chiều khi xuất hiện với tạo hình Lạc Long Quân khi tham gia cuộc thi Manhunt International 2011.
Đây là tác phẩm của nhà thiết kế Long Dũng thực hiện dựa trên hình tượng Lạc Long Quân
Mới đây nhất là trang phục truyền thống lấy ý tưởng từ thần Thánh Gióng của anh tại cuộc thi Mr World 2012. Nam Thành khiến không ít người ngạc nhiên vì sự biến tấu kỳ lạ trong khâu thiết kế phục trang. Vị thần với sự tích lớn nhanh như thổi, cơ thể cường tráng và có sức mạnh quật cường lại bị ý tưởng yếu kém“nhồi nhét” trong một mớ chất liệu tổng hợp.
Vẫn là cách kết khối cồng kềnh, thô cứng và khiến thí sinh khổ sở bởi sức nặng của trang phục. Hơn nữa đao kiếm của nhân vật dường như được lấy từ những món đồ chơi trong các game võ lâm nổi tiếng.
Nam Thành với bộ trang phục truyền thống lấy ý tưởng từ hình ảnh Thánh Gióng
Việc lạm dụng các họa tiết được cắt trên các chất liệu nhựa dẻo, nhựa tổng hợp, chất liệu phản quang khiến bộ trang phục mang đậm dấu ấn của các nhân vật trong game online hơn là nhân vật trong truyền thuyết.
Nếu nói nặng lời thì những bộ trang phục truyền thống của các người đẹp khi đi thi là sản phẩm của sự gắn kết đầy hỗn tạp. Yếu tố đặc trưng và nét tinh hoa trên trang phục cổ truyền bị triệt tiêu. Dù rằng để thiết kế nên một mẫu trang phục các NTK trẻ đã tốn không ít công lao và tiền của. Song sự thiếu chắt lọc và không tôn trọng ý tưởng khởi nguồn đã khiến thành phẩm của họ trở thành phế phẩm.