Tôi không dám nặn vì sợ để lại di chứng hoặc lây lan khắp mặt. Có cách nào để chữa trị dứt điểm không BS?
(kham_ak.yamaha@ymail.com)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Theo nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc da mặt bị nổi mụn. Có thể kể đến những tác nhân cơ bản sau: Do sự thay đổi mức độ hoóc-môn trong chu kỳ kinh nguyệt; thường xuyên bị stress; kem dưỡng da không phù hợp; ánh nắng mặt trời; mỹ phẩm có lượng chất màu cao… Da dầu khiến mặt dễ bám bụi, các chất cặn bã sẽ tích tụ và bịt kín lỗ chân lông tạo điều kiện cho mụn phát triển.
Có đến 80% bạn trẻ, nhất là thanh niên ở tuổi dậy thì có da mặt nhờn. Da mặt có hàng vạn tuyến bã (từ 15.000 đến 20.000 tuyến) hoạt động thường xuyên và tiết ra bã nhờn. Chúng hoạt động càng mạnh thì da mặt càng nhiều dầu.
Tuy nhiên, da nhờn không phải là nguyên nhân chính gây mụn. Điều kiện gây mụn là tuyến bã tiết nhiều chất bã nhờn trong khi các ống bài tiết chất bã lại bị thu hẹp do tế bào sừng tăng sinh bịt ống tiết làm cho chất bã tích tụ lại gây viêm nhiễm.
Việc giữ gìn vệ sinh da mặt không tốt mới là nguyên nhân chính gây nên tình trạng “đèn pin” trên mặt. Thực tế, nhiều người da mặt nhiều dầu mà không có mụn. Do đó, đa số trường hợp nổi mụn ở mặt không phải dùng thuốc mà chỉ cần chú ý vệ sinh thường xuyên cho da mặt.
Theo các chuyên gia da liễu, để giảm bớt tình trạng da nhờn, nên giữ gìn da mặt sạch sẽ. Rửa mặt bằng nước sạch ngày 4 - 5 lần.
Hiện nay, có nhiều loại sữa rửa mặt dành cho cả hai giới để hỗ trợ giảm tình trạng da dầu. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng 1 - 2 lần mỗi ngày.
Hạn chế dùng mỹ phẩm để các tuyến bài tiết không bị bịt kín. Đối với các bạn nữ, trước ngày “đèn đỏ” khoảng một tuần, da mặt có thể bị nhờn hơn và nổi nhiều mụn hơn do lượng Estrogen giảm. Trong thời gian này, cần chăm sóc da mặt kỹ hơn.
Thông thường, tình trạng da mặt nhiều dầu sẽ giảm bớt hoặc hết nhờn khi đến tuổi 30 và mụn cũng sẽ bớt hoặc hết.
Theo BS Nguyễn Mạnh - Tiền Phong