Đa số chị em chúng ta có thể mang giày có gót nhọn, nhưng nó còn tùy thuộc vào thói quen và sự thoải mái. Giày gót vuông, cao từ 3-4 cm là loại giữ thăng bằng tốt nhất cho cột sống nếu phải mang nó hằng ngày.
Giày gót cao từ 7 cm trở lên chỉ thích hợp cho những dịp đột xuất. Khi chọn mua giày, bạn cần thử cả đôi vì chân phải luôn có khuynh hướng to hơn chân trái, cũng nên kiểm tra xem độ cong của giày có thích hợp với hình dạng của bàn chân hay không.
Giày gót vuông, cao từ 3-4 cm là loại giữ thăng bằng tốt nhất cho cột sống nếu phải mang nó hằng ngày
Giày quá chật sẽ gây khó khăn khi đi đứng. Nên mua giày vào cuối ngày vì đó là lúc chân bạn cỡ to nhất (có thể lên đến 10% so với bình thường). Đừng quên rằng chân bạn sẽ to ra cùng với tuổi tác, khi có bầu hoặc khi ít vận động. Nếu loại giày bạn mua không thể đi chân không, nhớ đi tất để thử nó. Nên xen kẽ giày gót thấp hoặc bằng với giày gót cao để gìn giữ các khớp chân và sóng lưng.
Thẩm định giày: Một đôi giày đẹp là một đôi giày mềm, trơn tru và có những đường khâu sít vào nhau. Lớp lót của giày phải mềm và có những đường khâu lõm xuống. Không có dấu vết của hồ dán. Khi uốn cong, giày phải tạo cảm giác mềm tay và khi bỏ tay ra, nó phải trở lại ngay trạng thái ban đầu. Những loại giày da thú (đà điểu, cá sấu...) thường bền hơn nhiều so với da thông thường.
Giày da sơn thường không bắt bụi nhưng lại dễ bị rạn, xước lớp mặt. Giày da bóng dễ bắt bụi hơn, nhưng cũng dễ đánh sạch hơn. Loại da lộn rất kén thời tiết. Nó không chịu được nước mưa, cát hay muối trên đường.
Bảo quản giày: Đừng đi từ ngày này sang tháng khác một đôi giày. Nên thay đế giày khi cần thiết để giữ gìn sức khỏe cho gót chân. Để giày thẳng thắn khi dùng xong, đừng chèn các đôi vào nhau để giữ dáng. Nếu không đi một thời gian dài, nên lót giấy vào trong giày. Không để giày ở chỗ nóng, bí gió hoặc ẩm ướt - giày có thể bị biến dạng, mốc hoặc bốc mùi. Một gói giấy nhỏ trong tủ giày có thể hút đi rất nhiều chất ẩm.
Theo Nguyễn Hồng Ân
Thanh Niên