Ngoài số 10 - 15% nạn nhân phải được điều trị với thầy thuốc chuyên khoa vì nguy cơ sẹo mụn với nhiều hậu quả nghiêm trọng, thông thường mụn sẽ khoác áo ra đi khi đối tượng bước vào tuổi trưởng thành.
Tuy vậy, 5% trong số đó vẫn có thể tiếp tục bị mụn cho đến tuổi 50, đa số là phụ nữ, đặc biệt là đối tượng hay bị rối loạn kinh nguyệt.
Nếu xét về cơ chế bệnh lý, mụn chỉ là một phản ứng cường điệu của hệ thống tuyến bã khu trú dưới da mặt, ót, ngực, lưng… do ảnh hưởng của tình trạng dao động nội tiết tố giới tính, điển hình là giai đoạn của tuổi dậy thì, khiến:
- Tuyến bã bài tiết nhiều chất nhờn hơn bình thường.
- Lỗ thoát của tuyến bã ra mặt da bị bít kín bằng một chốt chất sừng.
- Phần da quanh tuyến bã bị viêm tấy vì chất bã ứ lại trong ống dẫn tuyến và dễ bị bội nhiễm do sự hiện diện của nhiều loại vi trùng.
Tùy theo cường độ công phá của mụn mà bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nội tiết tố, dược phẩm dẫn xuất từ sinh tố A, thuốc kháng sinh… hay chỉ với thuốc dùng ngoài.
Tuy nhiên, không nên chỉ tập trung vào việc giải quyết triệu chứng khó chịu của bọc mụn như căng đau, sưng tấy. Việc đồng thời phải làm là tìm mọi cách ngăn ngừa vết sẹo bằng cách bảo vệ cấu trúc của da trước tia tử ngoại và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình phục hồi của lớp dưới da.
Chế độ dinh dưỡng khi bị mụn cũng không ngoài mục tiêu đó.
Thức ăn nên dùng
Cà-rốt, khoai lang ta, bí rợ, rau dền… vì đó là nguồn cung ứng tiền sinh tố A, hoạt chất có tác dụng kiến tạo da niêm, khiến bọc mụn khó ăn sâu thành vết loét.
Mè đen, hạt bí rợ, hạt hoa hướng dương để cung cấp cho da các loại acid béo có công năng trung hoà độc chất oxy-hoá trong môi trường ô nhiễm, cũng như của tia tử ngoại nhằm phòng ngừa tình trạng vết sẹo trở nên thâm đen.
Trái bơ để tận dụng lượng sinh tố E cần thiết cho tiến trình phục hồi của phần mô dưới da.
Trứng gia cầm để mụn mau lành nhờ tác dụng kháng viêm của khoáng tố lưu huỳnh có nhiều trong lòng đỏ trứng.
Đu đủ, thơm, mơ vì các loại quả này có chứa loại men vừa khiến bọc mụn mau mềm, vừa chống phản ứng viêm tấy quanh tuyến bã. Mụn nhờ đó không thể ăn sâu hay lan rộng.
Bánh mì đen, dù đắt tiền hơn bánh mì trắng và nhiều người chưa quen khẩu vị, nhưng là dạng thực phẩm bổ sung kẽm và crôm, hai khoáng tố vi lượng tối cần thiết để mụn mau lành, nghĩa là khó thành sẹo mụn.
Sữa chua, nếu được loại trong thành phần có thêm vi khuẩn hữu ích như Acidobacillus, thì càng tốt, để góp phần giải độc cho cơ thể.
Thực phẩm nên tránh
Tất cả món ăn có nhiều muối i-ốt, như rong biển, nước mắm, cá khô… trong lúc mụn đang bộc phát vì khoáng tố này có thể làm mụn từ dạng nhẹ chuyển sang thể nặng.
Theo Alobacsi.vn