Đến chùa quay phim, chụp ảnh, "Việt kiều" lừa gần 3,5 tỉ

KHÁNH HƯNG |

Thấy người đàn ông đến chùa tham quan, quay phim, chụp ảnh nên sư trụ trì mời vào uống nước. Qua trò chuyện, sư trụ trì được "Việt kiều" hứa tài trợ khoảng 70 tỉ đồng để xây cất lại chùa.

Lê Thanh Vân (sinh năm 1960, ngụ ấp 6, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, Đồng Nai) chỉ mới học đến lớp 5, không nghề nghiệp, nhưng lại có thể lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn trong một thời gian dài.

Số tiền đã chiếm đoạt, ông ta tiêu xài cá nhân, tạo vỏ bọc giàu có, che mắt người bị hại. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, kẻ lừa đảo phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Sinh ra trong gia đình 6 anh, chị em, ông Vân là con thứ 3. Không vợ con, không nghề nghiệp, thường xuyên vắng nhà.

Sau thời gian tìm hiểu, ông ta nắm được tâm lý chung của người tu hành, người quản lý đền, chùa: ai cũng mong muốn có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ tiền xây cất đền, chùa được khang trang, rộng rãi hơn.

Để tạo lòng tin với họ, Vân giả danh là Việt kiều Pháp hoặc Việt kiều Campuchia, tự xưng mình là Y Samari, con của một hoàng tộc ở Campuchia, dựng lên bối cảnh gia đình rất tốt: cha mẹ giàu có, đã làm từ thiện, tài trợ tiền xây cất nhiều đền, chùa ở Việt Nam.

Tháng 2-2013, Vân đến TP. Đà Nẵng thuê phòng trọ của Ngô Ngọc T.A. hơn 1 tháng. "Không biết ông ta làm nghề gì, nhưng nhìn có vẻ giàu có. Sau đó, ông ta không có tiền tiêu xài, nhờ tôi mở tài khoản dùm để gia đình chuyển tiền.

Tin lời, tôi dùng giấy chứng minh nhân dân của mình để mở tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Nhận được thẻ ATM, ông ta tự đổi mã pin thành mật khẩu cá nhân. Tôi hoàn toàn không được hưởng lợi" - anh A. khai nhận với Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Chủ nhân của tài khoản này không hề ngờ rằng, anh ta đã vô tình tiếp tay cho Vân lừa đảo người khác.

Khi đã tạo được niềm tin về tiềm năng tài chính với người tu hành, người quản lý đền, chùa mỗi nơi đến, ông ta dựng lên "màn kịch" tiếp theo: cha mẹ đã về nước, nhưng ngoại tệ chuyển về chưa rút ra được.

Ông ta "khuyên" các sư, người quản lý đền, chùa chuyển tiền vào tài khoản của mình để "đóng phí" khi muốn nhận được tài trợ.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Vân sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau, nhận tiền thông qua tài khoản ngân hàng (đứng tên A.). Thủ đoạn đơn giản, nhưng Vân đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 3,5 tỉ đồng ở nhiều nơi.

Tại An Giang, nhiều sư, người quản lý đền, chùa đã "mắc bẫy" của ông ta. Bà D.T.T (sinh năm 1963, làm công quả tại chùa H.T, Thoại Sơn) kể lại: "Tôi ly dị chồng gần 20 năm nay.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nhà cửa nên hàng ngày tôi đến làm công quả cho chùa. Đầu tháng 1-2016, tôi gặp người đàn ông khoảng 55 tuổi, xưng tên là Y Samari, cho biết gia đình rất giàu có. Ông ta nhờ tôi giúp đỡ vì "bị bạn lấy hết tiền, không mua vé về Pháp được".

Nói chuyện qua lại, ông ta còn nhận tôi làm em nuôi, hứa hẹn khi nào cha mẹ ông về sẽ giúp tôi xây nhà. Thậm chí, ông ta còn cho tôi nói chuyện điện thoại với "cha, mẹ".

Tin lời, tôi đã đưa 3,5 triệu đồng tiền mặt, chuyển vào tài khoản cho ông ta 27 lần, tổng số tiền 75,6 triệu đồng". Khi bà phát hiện bị lừa thì ông ta cũng "biến" mất!

Ngày 12-2-2016, ông L.V.B (trụ trì chùa P.H, thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) thấy ông Vân đến chùa tham quan, quay phim, chụp ảnh nên mời vào uống nước.

Thông qua trò chuyện, sư trụ trì được Vân hứa hẹn tài trợ khoảng 70 tỉ đồng để xây cất lại chùa. Tin tưởng lời hứa hẹn này, sư B. đã đưa cho Vân 10 triệu đồng trước khi ông ta rời đi.

Nhiều ngày sau, Vân liên tục điện thoại cho sư B., tìm mọi lời lẽ để sư tin rằng "tiền tài trợ đã về nước, nhưng phải đóng phí mới rút ra được".

Từ ngày 16-2-2016 đến 8-3-2016, sư B. chuyển tiền vào tài khoản đứng tên A. 44 lần, tổng số tiền 1,03 tỷ đồng. Tiền chuyển xong, nhưng phần tài trợ chẳng thấy đâu, liên hệ thì "Mạnh Thường Quân" đã tắt máy! Ngày 4-12-2016, sư B. đến công an tố giác. 3 tháng sau, Lê Thanh Vân bị bắt khẩn cấp.

Quá trình điều tra xác định: Vân còn lừa đảo, chiếm đoạt của bà T.T.L (Phú Tân) 29 triệu đồng, một số vụ việc khác ở: TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Kiên Giang.

Theo phong tục, các cơ sở thờ tự vừa là nơi tôn nghiêm, tín ngưỡng tâm linh, vừa là nơi bà con đến vãn cảnh, tĩnh tâm.

Để có được cơ ngơi khang trang, người có chức sắc, trụ trì cơ sở thờ tự rộng lòng đón nhận Mạnh Thường Quân đến ủng hộ tiền xây cất.

Nắm được tâm lý đó, Vân đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo, gây hoang mang trong giới tăng ni, phật tử, các cơ sở thờ tự, đi ngược lại đạo lý và thuần phong mỹ tục.

Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, xử phạt Vân 14 năm tù về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối với những vụ việc xảy ra ngoài tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) chuyển tài liệu liên quan đến các tỉnh, thành phố để giải quyết theo thẩm quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại