Thất Tịch hay lễ tình nhân ở phương Đông đều đặn "rơi" vào ngày 7/7 Âm lịch hằng năm. Theo văn hóa, đây là ngày trời đất gần nhau và lịch sử của nó gắn liền với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau bên cầu Ô Thước sau một năm xa cách.
Ở Việt Nam, dân gian hay gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu". Vào ngày ngày, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt.
Đặc biệt, địa điểm được mệnh danh cầu duyên linh thiêng nhất miền Bắc - chùa Hà (quận Cầu Giấy) tấp nập ngay từ sáng sớm.
Người Hà Nội vẫn hay đùa nhau, rằng muốn "vớ" được người yêu thì cứ đi chùa Hà mà cầu tình duyên. Rồi biết đâu may mắn sẽ mỉm cười ngay cả lúc không ngờ nhất.
Chùa Hà - ngôi chùa cầu tình duyên nổi tiếng nhất Hà Nội
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình - Chùa Hà. Trước kia chùa Hà thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), nay thuộc phố Chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội).
Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Hà mang nhiều tàn tích của nét đẹp cổ xưa. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái.
Chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu "Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương".
Chùa Hà - ngôi chùa được mệnh danh cầu duyên thiêng nhất miền Bắc.
Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện.
Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng cô cậu khác.
Một điểm đặc biệt, dọc con phố dẫn vào chùa Hà chỉ bán hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa.
Những người viết sớ thuê thì luôn sẵn sàng viết những lá sớ cầu xin trời Phật gắn kết người này với người kia, xin mặn nồng, bền lâu theo ý của những người đến cầu duyên. Các hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán rất nhiều vòng, nhẫn… mà cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp.
Về lí do xây dựng chùa Hà có hai truyền thuyết đều gắn với vua Lý Thánh Tông. Nhưng tuyệt nhiên không hề có truyền thuyết nào liên quan đến việc tình yêu đôi lứa.
Lịch sử ghi lại rằng, vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con. Người đã cầu tự vào ngày 7/7 ở một ngôi chùa, nhờ đó mà sinh ra Thái tử Càn Đức.
Tuy nhiên người đời vẫn hay "rỉ tai" nhau qua năm tháng, "thêu dệt" nên hình ảnh chùa Hà gắn liền với đường tình duyên. Người nọ mách người kia, người kia lại mách với người khác nên chẳng hiểu sao nơi đây bỗng trở thành ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng.
Lễ Thất Tịch năm nay, từ sáng sớm chùa Hà "đón tiếp" rất đông người dân, chủ yếu là những bạn trẻ tới cầu tình duyên, cầu cho những điều tốt đẹp nhất đến với tình yêu đôi lứa.
Mâm lễ cầu duyên ngoài hương vàng giấy áo, thì không thể nào thiếu vài bông hoa hồng với tờ sớ cầu duyên.
Tuy vậy, ngoài tin đồn cầu duyên linh thiêng, chùa Hà cũng được cho là nơi chỉ cầu được duyên chưa đến, chứ nếu duyên đến rồi, cầu thì chỉ có… tan!!!
Bảo Yến và Giang Linh là 2 người bạn hiện đang theo học tiếng Hàn tại một trung tâm ở quận Hà Đông. Đúng ngày Thất Tịch, Yến và Linh rủ nhau tới chùa Hà để cầu tình duyên.
Được biết đây là lần đầu tiên 2 cô bạn "mạnh dạn" đi cầu duyên sau khi được những người bạn khác "rỉ tai" qua facebook.
Ngoài việc cầu duyên, chùa Hà còn nổi tiếng là ngôi chùa "cầu gì được nấy". Quanh năm du khách thập phương đến chùa cầu bình an, cầu sức khoẻ, cầu lộc, cầu tài.
Yến và Giang chia sẻ về lần đầu tới chùa Hà cầu duyên.
Cận cảnh một bộ lễ cầu tình duyên tại chùa Hà.
Cầu xong sẽ hoá sớ kèm theo tiền vàng.
Theo quy định, mỗi người chỉ được cắm một que nhang.
Chuyện cô gái cứ viết sớ cầu duyên, sau một tháng có người yêu
Từ sáng sớm ngày Thất Tịch, các cửa hàng bán hoa hồng, vàng mã ngay đối diện chùa Hà luôn tấp nập. Cô Oanh (58 tuổi, chủ một sạp hàng) hớn hở sau khi chậu hồng được "tẩu tán" ngay trong buổi sáng.
Đến chiều, cô Oanh tiếp tục nhập hoa về phục vụ "những trái tim FA" đang cháy bỏng khát khao tìm được người thương.
"Chủ yếu các bạn trẻ kéo nhau tới mua hoa hồng và bộ lễ có cả sớ cầu duyên, trầu cau, tiền vàng. Chùa Hà quanh năm đông đúc, tấp nập vì nơi đây đất thiêng. Chỉ cần trong tâm có ý định, y như rằng cầu gì là được cái đấy" - cô Oanh kể.
Dọc con đường dẫn vào chùa Hà chỉ bán mỗi hoa hồng.
Dân gian quan niệm "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" để cầu chúc may mắn trong năm. Bên trong mỗi chiếc túi có một gói gạo, một gói muối tượng trưng cho sự ấm no, còn thêm bao diêm để gia đình có lửa cả năm.
Riêng với những người cầu tình duyên, lửa sẽ sưởi ấm tấm lòng cô đơn lâu nay, muối có nhiệm vụ "nêm nếm" cho tình yêu thêm dư vị đậm đà. Từ đó, tình yêu lại càng thêm yêu, thêm duyên.
Chùa Hà vốn nổi tiếng cầu duyên là do mọi người truyền tai nhau, việc linh thiêng ở ngôi chùa này vẫn còn chưa được nhiều người chứng minh.
Tuy nhiên bao nhiêu năm qua, ứng với một số trường hợp, câu chuyện cầu duyên bỗng "vớ" được người yêu không phải là hiếm.
Thảo Anh chia sẻ về câu chuyện tình duyên thú vị của mình.
"Quả là khi đi thì lẻ bóng về thì có đôi" - nhận định này hoàn toàn đúng với Thảo Anh (22 tuổi, Hải Dương).
Nhà gần chùa Hà, cô bạn thường xuyên tới đây mỗi tháng để cầu bình an. Chuyện là Thảo Anh từng viết sớ cầu duyên 2 lần, và y như rằng, cứ sau một tháng là có người yêu luôn!
"Lần thứ nhất là khoảng 2 năm trước. Mới đây, tầm tháng 6 năm nay mình tới chùa viết sớ cầu duyên và cũng mới có người yêu. Hôm nay là ngày lễ Thất Tịch, tụi mình dự định sẽ đi chơi với nhau" - Thảo Anh chia sẻ.
Từ lâu nay, chùa Hà vốn là mảnh đất thiêng cầu gì được nấy.
Vào dịp rằm hay mồng 1 đầu tháng, nhiều người Hà Nội đều có thói quen tới chùa Hà cầu bình an.
Không biết từ bao giờ người Hà Thành lại gắn cho chùa Hà một niềm tin tha thiết vào hai chữ "tình duyên" như thế. Nếu như các ngôi chùa khác thì người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên thì ở chùa Hà, đông nhất lại là các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú.
Họ tin tưởng chọn nơi đây để gửi gắm bao tâm sự, cùng hy vọng khi đi thì lẻ bóng về thì có đôi.