Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2017 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Nông nghiệp đã luôn là động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011.
Báo cáo của ADB chỉ ra rằng sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba của Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philipine.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, để chuyển đổi nông nghiệp, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức cơ bản trong chính sách.
Bao gồm tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị cao hơn, áp dụng hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn, và tích hợp hiệu quả hơn những cân nhấc về biến đổi khí hậu vào trong các quy trình ra quyết định.
“Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sử dụng quá nhiều các tài nguyên như đất, nước. Nông dân có thói quen sử dụng quá nhiều phân bón hơn là ứng dụng các phương thức canh tác hiệu quả, đây là xu hướng xấu trong sản xuất nông nghiệp.” ông Eric Sidgwick nói.
Cũng theo ông Eric Sidgwick, nông nghiệp hiện đang có mức tăng trưởng trung bình 2,4% kể từ năm 2011, nếu đạt mức tăng trưởng 5% thì tăng trưởng GDP sẽ đạt trên 7%/năm. Tuy nhiên, hiện nay giá phân bón quá cao cũng đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp chủ yếu tập trung cho sản xuất lúa gạo mà chưa đáp ứng nhu cầu cho những cây trồng khác.
Việt Nam cần tập trung quản lý tài nguyên bền vững hơn, trong đó phải có các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai thành các khu vực canh tác có diện tích lớn. Nông nghiệp đã sử dụng đến 82% lượng nước ngọt của Việt Nam, ô nhiễm nước trên các dòng sông ở Việt Nam đang đe dọa sự bền vững trong sử dụng nước cho hoạt động nông nghiệp.
“Tăng trưởng nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam mà còn đem lại lợi ích cho người nông dân. Việt Nam còn nhiều dư địa để làm tốt hơn trong lĩnh vực nông nghiệp với xu hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đảm bảo môi trường và cần chuẩn bị tâm thế cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu,” ông Eric Sidgwick khuyến nghị.
Theo ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế của ADB, nông nghiệp vẫn là yếu tố chính làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại khi chiếm đến 18% trong tổng số GDP. Việt Nam cần cải cách các lĩnh vực tụt hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Aaron Batten cũng đưa ra dự báo tăng trưởng ổn định cho Việt Nam nhưng mức tăng trưởng này vẫn còn dưới mức cần thiết để đạt được vị thế nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
“Với mức tăng trưởng hiện tại, Việt Nam chỉ đạt được mục tiêu là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2031. Tăng mức tăng trưởng thêm 2% sẽ rút ngắn khoảng thời gian này vào năm 2026”.
Ông Eric Sidgwick cho rằng đổi mới sáng tạo không phải là làm tốt những việc đang làm, đó là áp dụng những kiến thức tiên tiến trong phát triển kinh tế. Kinh tế Việt Nam không chỉ cần nguồn vốn mà còn phải sử dụng nguồn vốn một cách sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, cần có những chính sách và thể chế phù hợp.