Torbjørn "Thor" Pedersen đã lên đường trở về nhà sau khi thăm 203 quốc gia trong 10 năm mà chưa từng bước lên máy bay. Ảnh: @onceuponasaga/Instagram
Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), ngày 26/7, Pedersen, 44 tuổi, bước ra khỏi con tàu container MV Milan Maersk nặng 214.000 tấn tại Aarhus, trên bờ biển phía đông của Đan Mạch, hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới mà anh đã mất tới 10 năm để hoàn thành.
Khi về đến nhà, anh nói về chuyến đi của mình, được đặt tên là 'Once Upon A Saga': "Tôi đã mơ về việc trở về nhà và hoàn thành hành trình này. Và đó là ngày hôm nay. Đồng thời, tôi cũng lo lắng về tương lai."
Ý tưởng đằng sau chuyến du lịch vòng quanh thế giới
Theo trang Firstpost, Pedersen sinh ra ở Đan Mạch trước khi gia đình anh chuyển đến Mỹ, rồi trở lại Đan Mạch nhiều năm sau đó. Anh đã học ở Đan Mạch và sau đó nhập ngũ.
Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, Pedersen đã tìm được một việc làm trong lĩnh vực vận chuyển và hậu cần – công việc giúp anh hiểu cách lập kế hoạch cho chuyến đi vòng quanh thế giới của riêng mình. Đó là vào năm 2013, anh nhận được một email sẽ thay đổi cuộc đời mình mãi mãi.
"Cha tôi đã gửi cho tôi một liên kết đến một bài báo và tôi đã nhấp vào nó. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng chưa có ai trong lịch sử từng đi đến mọi quốc gia trên thế giới mà không cần máy bay. Thực tế điều này đã thu hút sự quan tâm của tôi", Pedersen từng nói với Euronews.
Ngay sau đó, Pedersen đã chuẩn bị hành lý cho chuyến hành trình dài 358.000 km, và vào ngày 10/10/2013, Pedersen bắt đầu hành trình thăm 203 quốc gia của mình. Anh đã đặt ra ba quy tắc mà anh thề sẽ không phá vỡ: dành ít nhất 24 giờ ở mỗi quốc gia, chi tiêu với ngân sách khoảng 20 USD/ngày và không trở về nhà cho đến khi hoàn thành mục tiêu.
Hành trình vòng quanh thế giới của Pedersen: 3.576 ngày, 379 tàu container, 158 tàu hỏa, 351 xe buýt, 219 taxi, 33 thuyền và 43 xe kéo. Ảnh: @onceuponasaga/Instagram
Pedersen đi bộ, ô tô, xe buýt, tàu hỏa và thuyền — bao gồm 37 tàu container. Có thời điểm, anh nói với ABC News rằng: "Tại thời điểm này, đối với tôi, việc lên một con tàu container không khác nhiều so với việc lên một chiếc xe buýt thành phố."
Theo trang Firstpost, phần lớn chi phí cho chuyến đi của Pedersen là do anh tự túc. Trên trang web cá nhân, anh nói rằng, vận chuyển hàng hóa là một công việc được trả lương cao, ngoài ra, một phần là do sự ủng hộ hào phóng của mọi người, và một phần được tài trợ bởi Ross DK và Geoop.
Từ Đan Mạch, Pedersen lần đầu tới Đức và bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới, bao gồm 195 quốc gia có chủ quyền và 8 vùng lãnh thổ đang có tranh chấp mà không cần máy bay.
Không phải là tất cả đều là niềm vui và trò chơi
Theo trang Firstpost, trong khi việc đi du lịch vòng quanh thế giới nghe có vẻ tuyệt vời, thì Pedersen đã học được rằng, để thực hiện một chuyến đi như vậy trong thực tế không phải là điều đơn giản. Hành trình "Once Upon a Saga" đã bị thử thách bởi các vấn đề hành chính quan liêu và hậu cần, tình trạng bất ổn dân sự và những trở ngại bất ngờ như đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi và đại dịch COVID-19.
Trong những năm rong ruổi trên đường, Pedersen đã bị mắc kẹt hàng tháng ở những nước như Syria, Iran, Nauru và Angola vì vấn đề visa.
Anh cũng đã vượt qua cơn sốt rét não nghiêm trọng ở Ghana, sống sót sau một cơn bão dữ dội kéo dài bốn ngày khi băng qua Đại Tây Dương từ Iceland đến Canada, thay đổi hành trình khi các biên giới đất liền bị đóng cửa trong các khu vực xung đột, và phải trì hoãn chuyến đi do tàu bị hỏng hoặc bộ máy hành chính quan liêu tại điểm đến…
Do đại dịch COVID-19, hành trình vòng quanh thế giới của anh đã bị gián đoạn nghiêm trọng và anh đã dành trọn hai năm ở Hồng Kông (Trung Quốc) trước khi tiếp tục chuyến đi của mình. Ảnh: @onceuponasaga/Instagram
Nói về chặng hành trình ở Hồng Kông (Trung Quốc) của mình, Pedersen nói với CNN rằng, "Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi và cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi, theo một cách nào đó… Tôi đã phải tự hỏi mình: tôi sẽ cống hiến bao nhiêu phần trăm cuộc đời mình cho việc này? Nhưng trong khi chờ đợi thế giới mở ra, tôi đã sống ở Hong Kong và tạo nên rất nhiều mối quan hệ đặc biệt."
Chính tại Hồng Kông, Pedersen tìm được "một nửa" của mình, Le, người cũng đã trở lại Đan Mạch, thông qua một dịch vụ đám cưới trực tuyến có trụ sở tại Mỹ.
Và sau hai năm dài, cuối cùng vào ngày 5/1/2022, Pedersen lại có thể tiếp tục hành trình của mình, lên đường đến Palau.
Quốc gia cuối cùng Pedersen đến thăm là Maldives vào ngày 24/5/2023, và chính từ đây anh đã lên đường về Đan Mạch.
Học hỏi từ hành trình của mình
Những con số đáng chú ý trong hành trình của Pedersen: 3.576 ngày, 379 tàu container, 158 tàu hỏa, 351 xe buýt, 219 taxi, 33 thuyền và 43 xe kéo.
Nhưng đối với Pedersen, đó không phải là những con số quan trọng. Anh nói: "Tôi tự hào rằng mình đã không bao giờ bỏ cuộc sai tất cả những việc này. Tôi tự hào rằng mình đã có thể thể hiện sức mạnh cần thiết."
Pedersen dường như không thích đi du lịch bây giờ. Trước mắt, anh hy vọng sẽ dành thời gian cho vợ và gia đình. Ảnh: @onceuponasaga/Instagram
Và anh nói với ABC News rằng: "Mặc dù có rất nhiều đau đớn và thất vọng, nhưng cũng đã có rất nhiều kiến thức, vẻ đẹp và những trải nghiệm tuyệt vời sau tất cả những điều này."
Pedersen tin rằng thành tích của mình – đến mọi quốc gia trong một hành trình mà không cần máy bay – có thể sẽ không bao giờ lặp lại được nữa.
Vậy Pedersen có kế hoạch đi du lịch một lần nữa? Chưa, là câu trả lời của anh. Anh dự định thay đổi cuộc sống du lịch toàn thời gian của mình và tiến về phía trước theo những cách khác. Anh mong muốn được dành nhiều thời gian hơn cho vợ và bắt đầu xây dựng một gia đình cùng nhau.