Trong ngành đường sắt, công việc gác chắn đường tàu không được mấy người lựa chọn, bởi sự đơn điệu của công việc và nguồn thu nhập ít ỏi. Nhìn qua, hầu hết mọi người sẽ cho rằng đây là một công việc đơn giản và nhàn nhã, nhưng thực tế ẩn sau đó là những nhọc nhằn và trách nhiệm nặng nề mà ít ai hiểu được.
Có lẽ vì thế, biết bao nữ gác tàu vì trách nhiệm với công việc đã nhiều lần lỡ hẹn với gia đình một chuyến về thăm quê, và cũng biết bao năm chưa được đón một cái tết trọn vẹn bên gia đình...
22 giờ, có mặt tại trạm gác Linh Đàm, bóng chị Dung - nhân viên của trạm đang làm nhiệm vụ, hướng dẫn người dân di chuyển.
Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1995, Hoàng Mai, Hà Nội) bước vào ngành đường sắt Việt Nam với tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê cống hiến. Đối với chị Dung , hạnh phúc chỉ giản đơn là sự an toàn của những chuyến tàu. 6 năm khoác màu áo xanh đường sắt, chị luôn giữ cho mình niềm đam mê, trách nhiệm cao với công việc.
"Là con gái lại là em út trong tổ, nên mọi người thương mình lắm. Thông thường ca làm việc đêm của mình sẽ bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ 30 sáng ngày hôm sau, còn ca ngày sẽ là 6 giờ 30 sáng đến 18h chiều. Thời gian gấp gáp, mình chỉ kịp nấu bữa cơm chiều chứ không thể quây quần bên mâm cơm cùng gia đình. Đón con đi học về, cho các con ăn xong là vội vàng gói ghém thức ăn, nhanh chóng đến trạm gác chắn để thay ca cho đồng nghiệp. 6 năm theo nghề, chưa bao giờ mình cho phép bản thân đi làm chậm trễ" - chị Dung chia sẻ.
Muốn vậy, tất cả nhân viên gác chắn đều tuyệt đối không được uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, phải ngủ thật đủ giấc, ít nhất là hai đến ba tiếng trước khi vào ca để thức canh tàu được thông suốt.
Chị Dung chia sẻ, hầu như nhân viên thâm niên nào cũng mắc "bệnh nghề nghiệp" nặng, đó là trong ca trực không được ngủ nhưng thực tế có cho ngủ cũng chẳng thể chợp mắt được.
Công việc chính của chị Dung mỗi ca là báo cáo ghi chép, đảm bảo an ninh khu gác và điều chỉnh thanh chắn mỗi khi có tín hiệu tàu đến.
Đồng hành trong ca trực cùng với chị Dung tối hôm nay còn có anh Hưng. Anh đã công tác tại đây được 8 năm.
Góc làm việc của chị Dung.
Chia sẻ về thời gian làm việc, chị Dung cũng cho biết: "Từ nhỏ, các con đã quen với cảnh mẹ xa nhà ban đêm, phải chịu thiệt thòi khi giấc ngủ thiếu hơi ấm của mẹ. Điều mà mình luôn áy náy là không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Có đôi khi con ốm đau cần mẹ ở bên, mình vẫn phải gửi hai con đến cho ông bà nội, ngoại trông giúp".
Căng đôi mắt rồi lấy ngón tay dò từng dòng một trên sổ, chị tỉ mẩn ghi từng dòng ký hiệu tàu, giờ tàu chạy qua, thi thoảng chị mới ngoái lại nói vài câu khi được hỏi.
"Tôi chủ động nắm bắt công việc với mục tiêu đặt ra là 100% chuyến tàu chạy qua an toàn tuyệt đối. Vừa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ anh Hưng hoàn thiện những kỹ năng cần thiết trong vai trò là một nữ gác chắn đường ngang.
22h45 phút, nhận lệnh sắp có tàu di chuyển qua chắn ngang từ trực ban ga Định Công (Hoàng Mai - Hà Nội), chị Dung ghi chép vào sổ theo dõi khung giờ tàu qua chắn. Mọi thông tin về lịch trình di chuyển của tàu đều được chị ghi lại cẩn thận, tỉ mỉ để đồng nghiệp của ca sau tiện theo dõi và quản lý.
Gác chắn ngang Linh Đàm nằm ở vị trí trung tâm, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Do vậy, những người trực gác nơi đây luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống; bởi chỉ một chút lơ là, chủ quan đồng nghĩa phải đánh đổi sự an toàn của cả đoàn tàu và mạng người.
Gác chắn ngang Linh Đàm nằm ở vị trí trung tâm, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Do vậy, những người trực gác nơi đây luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống; bởi chỉ một chút lơ là, chủ quan đồng nghĩa phải đánh đổi sự an toàn của cả đoàn tàu và mạng người..
Trong đêm tối, ánh sáng tỏa ra từ cây đèn là tín hiệu để lái tàu biết đường ngang trước mặt đã đảm bảo an toàn. Từ đó, người lái giữ tốc độ phù hợp cho tàu di chuyển qua
"Sau khi chắn đóng hoàn toàn, quan sát thấy đường ngang thông thoáng, mình mới di chuyển đến bục đứng đón, tiễn tàu. Kinh nghiệm đúc rút hơn 6 làm nghề giúp mình phán đoán chính xác và hoàn thành các thao tác trên trước khi tàu đến đường ngang ít nhất 60 giây.
Chuyến đầu tiên đón trong đêm là tàu chở khách từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội . Trung bình mỗi ngày có khoảng 35 chuyến tàu. Nhưng những dịp tết, lễ có khoảng 40-43 chuyến tàu. Làm nghề này phải chấp nhận không có tết vì phải trực liên tục. Đã mấy năm rồi mình không đón tết “trọn vẹn” cùng gia đình, 6 năm vào nghề nhưng đã 3 lần đón giao thừa trên trạm chắn. Giao thừa năm nay mình cũng trực. Nhưng khi nghĩ về công việc của mình là góp phần để nhà nhà đoàn viên, sum họp sau thời gian xa cách, cũng cảm thấy được an ủi thêm phần nào" chị Dung dí dỏm chia sẻ.
Bàn tay của chị Dung đã bám lấy thanh chắn nặng trịch mỗi ngày đẩy vài chục lượt qua lại ròng rã gần 6 năm trời. Nhân viên gác chắn phải tuân thủ không được rời vị trí trực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
"Với nữ gác chắc đường ngang trong đêm tối như mình, sẽ không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng, cô đơn. Nghề này ít được người đi đường cảm thông, mỗi lần kéo thanh mình lại nghe vài lời than thở không mấy vui vẻ, buồn lắm chứ nhưng cũng gác sang một bên vì việc vẫn phải hoàn thành" chị Dung chia sẻ thêm.
So với nam giới, công việc gác tàu đối với những người phụ nữ còn áp lực hơn nhiều. Thức trắng đêm đón tiễn tàu đã là sự nỗ lực mà không phải ai cũng hiểu.
Đối với những người vợ, người mẹ làm công việc gác chắn đường tàu, một đêm giao thừa không ở cùng người thân có lẽ không phải chuyện xa lạ. Nhưng một khi đã gắn bó với nghề, dù vất vả mấy các chị cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì sự an toàn cho mỗi chuyến tàu.