Tại TP HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối.
Mỗi ngày, khoa Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận từ 250 đến 350 bệnh nhân với đủ loại chấn thương hoặc bệnh lý ở mức nặng.
Ngày cao điểm có khi bệnh nhân cấp cứu lên đến hơn 400 người. Trong khi đó khoa có khoảng hơn 30 bác sĩ, chia làm 4 ê kíp và thay nhau 3 ca trực mỗi ngày.
Khoa Cấp cứu được ví như nơi "đầu sóng ngọn gió". Gần như cánh cổng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy không có lúc nào dừng hoạt động, bởi cứ mươi, mười lăm phút lại có một chiếc xe cấp cứu xuất hiện.
Lịch trực của các y bác sĩ trong khoa cấp cứu bắt đầu từ 9h tối cho tới 7h sáng hôm sau. Vào khoảng thời gian ban đêm là lúc các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phải hoạt động hết công suất vì về đêm thường tiếp nhận rất nhiều ca do TNGT cũng như nhiều trường hợp bệnh nặng.
Hình ảnh dễ thấy ở khoa đó là những người thân cùng bệnh nhân loại nhẹ nằm ngủ vạ vật khắp nơi chờ tới lượt vào thăm khám.
Luôn luôn trong tình trạng quá tải và khẩn cấp. Đó là những hoạt động thường xuyên diễn ra vào ca đêm. Nhận ca lúc 21h, chưa kịp hoàn tất thủ tục tiếp nhận các bệnh nhân còn lại từ ca trực trước, nhưng ê kíp y bác sĩ khoa Cấp cứu đã phải đón gần 10 bệnh nhân mới.
Hầu hết người được chở đến đều trong tình trạng nguy kịch. Không ít trường hợp chỉ chậm vài giây là tắt thở. Vì thế công tác cấp cứu luôn phải rất khẩn trương.
Đây là nơi giành lấy mạng sống cho các bệnh nhân. "Có những trường hợp nặng, nguy kịch, nếu ta không tỉnh táo, sơ sót trong chẩn đoán hay bỏ qua "giờ vàng" cứu chữa bệnh nhân thì rất đáng tiếc" – BS Đại, Trưởng ca trực nói.
Người nhà bệnh nhân trong những trường hợp cấp cứu đều trong tình trạng căng thẳng và xúc động.
Vì thế nên công tác thăm khám bệnh nhân và động viên tâm lý là vô cùng quan trọng, vì với bệnh nhân, bác sĩ là niềm hy vọng cuối cùng. Trong ảnh bác sĩ Đại đang thăm khám và động viên các trường hợp bệnh nhân nhẹ hơn.
Sau vài giây lấy thông tin, bệnh nhân được xếp vào dạng nặng sẽ được chuyển luôn vào phòng hồi sức cấp cứu tích cực, nơi có hệ thống máy trợ tim, trợ thở và bác sĩ trưởng ca đang chờ sẵn.
Những cảnh tượng bê bết máu hay thân thể nạn nhân bị biến dạng đã không còn là nỗi sợ hãi hay ám ảnh đối với bác sĩ. "Mình đã chọn nghề thì phải chấp nhận. Trước những hình ảnh ấy, nếu ta sợ thì làm sao cứu sống được cho bệnh nhân" – điều dưỡng Nguyễn Thị Yến Ngọc chia sẻ.
Nhiều trường hợp gặp phải những bệnh nhân nóng tính hoặc do quá đau đớn, để tiến hành công tác thăm khám là vô cùng khó khăn.
Trong ca đêm, các nhân viên của Khoa hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi.
Học viên Ức Mi Sa - Từ một cán bộ điều dưỡng văn phòng vì đam mê công việc cứu người đã xin chuyển sang khoa cấp cứu để học và mong có cơ hội ở lại làm việc. Cô cho biết làm nghề này nếu không có sự đam mê và bản lĩnh vững vàng sẽ rất dễ mệt mỏi.
Hai vợ chồng bệnh nhân Nguyễn Thị Thơ (Q Bình Thạnh) đang đợi tới lượt khám. Ông cụ cứ chỉ đứng cạnh vợ nắm chặt tay không chịu rời: "Bà ấy chóng mặt lắm, nên tôi phải luôn bên cạnh, sống với nhau mấy chục năm rồi chẳng yên tâm được".
Anh Nguyễn Quan Đông - nhân viên hỗ trợ với công việc hướng dẫn, sắp xếp và quản lý an ninh của phòng cấp cứu đã làm việc ở đây gần chục năm. Người đàn ông này cho biết: "Nếu không cười và làm cho mọi người vui vẻ, thì cái khoa này căng thẳng lắm á".
Chị Nguyễn Thị Tươi - Nhân viên phục vụ cho biết đã làm ở đây được một năm. Thời gian đầu do gặp những ca bệnh quá nặng đã làm chị ám ảnh suốt. "Làm công việc này cần có sức khỏe rất tốt, một tối đẩy và sắp xếp hàng trăm băng ca, tay tôi giờ đã chai hết rồi này." - chị cười khoe.
Những gương mặt hốc hác, những đôi mắt thâm quầng của các nhân viên y tế sau một đêm trực cấp cứu thể hiện rõ cái mệt đã ngấm vào họ, song không ai phàn nàn. Ca trực của họ đêm 25/10 đã tiếp nhận hơn 120 bệnh nhân.
Công việc ít dần từ tầm 3h sáng, nhưng tác phong khẩn trương, hết hỏi thăm bệnh nhân này lại giải quyết yêu cầu của thân nhân của bệnh nhân kia của các bác sĩ vẫn kéo dài đến 7h sáng hôm sau, khi ca trực kết thúc. Trời đã rạng sáng, ca trực sắp kết thúc. Những chiếc băng ca lại được sắp xếp gọn gàng đón chờ những bệnh nhân tiếp theo.