Cuộc trò chuyện với nhà sản xuất âm nhạc, MC, nhà báo Minh Đức đã cho tôi nhiều thông tin thú vị về nhạc sĩ Phú Quang.
Trịnh Công Sơn có "fan phong trào" nhiều nhất Việt Nam nhưng vẫn không bằng Phú Quang ở điều này...
Anh từng nói, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có lượng fan đông đảo ở Việt Nam nhưng cũng chưa thể có những đêm nhạc "khủng khiếp" như Phú Quang: giá luôn cao hơn thị trường và liveshow Phú Quang luôn cháy vé sau vài ngày. Anh có thể cho biết, lý do nào khiến anh đưa ra nhận định đó?
Nếu nói về các liveshow ăn khách, bán vé tốt hiện nay thì Phú Quang là hàng đầu. Khi chúng ta nhìn vào một nhạc sĩ ăn khách thì hoặc là họ mặc nhiên ăn khách vì có sức hấp dẫn hoặc là ta suy đoán nhạc sĩ này có nhiều fan hâm mộ theo kiểu phong trào.
Thực sự là có những người như vậy, họ nghe nhạc của nhạc sĩ này chỉ để... cho có vẻ sành điệu. Và họ sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho một chiếc vé để đi xem liveshow của nhạc sĩ mà họ thích nên mình có thể suy đoán được rằng nhạc sĩ đó ăn khách.
Trong hàng ngàn người hâm mộ một nhạc sĩ, thế nào cũng có những người hâm mộ thật sự và thế nào cũng có những người thích nhạc sĩ đó vì phong trào. Họ tư duy theo kiểu, nếu mình đi nghe nhạc của người đó thì mình là người sang trọng.
Thực ra, trong cuộc sống hiện đại này, điều đó cũng bình thường vì họ cần thể hiện đẳng cấp của mình ở nơi công cộng và cái nơi đó phải xứng với tầm của họ.
Cho dù thích hay không thích thì họ cũng sẽ đến đó để nghe, có thể là nhạc cổ điển hay giao hưởng. Bởi vì họ được mặc đẹp và sống trong không gian của những người giàu có, được gặp những mối quan hệ phù hợp với điều mà họ hướng đến hoặc cũng có thể là họ muốn tự "cải tạo" mình, trước giờ không quen thì nay tập cho biết.
Vì có lượng người đó nên sẽ dẫn tới suy đoán "à, ông này ăn khách vì có một lượng khán giả như thế".
Nhà báo Minh Đức là MC, biên tập của nhiều chương trình âm nhạc uy tín trên truyền hình. Anh đồng thời là nhà sản xuất âm nhạc, giám khảo của nhiều gameshow ca nhạc đình đám khu vực phía Nam.
Trở lại nhạc Trịnh Công Sơn. Rõ ràng nhạc Trịnh Công Sơn thu hút người nghe rất nhiều. Nhiều người thấy mình có thể làm sang bằng nhạc Trịnh. Nghe nhạc Trịnh chứng tỏ tôi là người sâu sắc, hiểu biết, sống nội tâm và thích nhạc Trịnh thì không thể bị chê là văn hóa thấp. Do đó, nếu nói nhạc sĩ có fan phong trào nhiều nhất Việt Nam thì chắc chắn phải là Trịnh Công Sơn.
Về mặt lý thuyết, nếu Trịnh Công Sơn có nhiều người nghe phong trào thì những liveshow của ông ấy phải ăn khách, vé bán tốt nhưng thực tế lại rất khó.
Một phần vì Trịnh Công Sơn mất rồi và những liveshow kia không phải do ông ấy trực tiếp làm ra. Thứ hai, những người làm chương trình Trịnh Công Sơn dù rất nỗ lực thì khả năng cũng có hạn và không thể đáp ứng hết nhu cầu của mọi người.
Dĩ nhiên đêm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn rất đông khán giả nhưng nếu tính về góc độ ăn khách, thị trường thì không thể bằng Phú Quang, kể cả giá vé cũng không thể cao bằng.
Tôi so sánh như vậy không có nghĩa là để bảo ông nào hơn ông nào mà để nói rằng, cùng có nhiều khán giả trung thành, cùng có nhiều fan phong trào nhưng lượng người sẵn sàng bỏ tiển ra mua vé đêm nhạc Phú Quang lúc nào cũng hơn đêm nhạc Trịnh Công Sơn.
Âm nhạc của Phú Quang đi đúng trend hoài niệm
Vậy theo anh, đâu là lý do khiến khán giả sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để nghe nhạc Phú Quang?
Người mua vé đêm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn nhiều nhưng không đạt được mật độ dày như liveshow Phú Quang dù giá vé lúc nào cũng cao hơn thị trường. Tại sao thì phải hỏi người đi và người không đi nhưng ở góc độ thị trường thì ta có thể lý giải là do đặc trưng âm nhạc.
Nhạc Phú Quang thường gắn với những kỷ niệm và người ta tìm thấy mình trong đó. Ai cũng có thể thấy mình trong âm nhạc của Phú Quang. Chẳng hạn với "Nỗi nhớ mùa đông", người Bắc nào khi nghe ca khúc này cũng có thể thấy ký ức về mùa đông của mình trong đó.
Nhiều người nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Phú Quang để cho có vẻ sành điệu và vì nghe nhạc của họ thì không thể bị chê là... văn hóa thấp được.
Còn nhạc Trịnh Công Sơn là dành cho những ai muốn đi tìm không gian, tìm suy ngẫm, sự chiêm nghiệm về cuộc sống, cuộc đời nên người nghe đi nghe nhạc Trịnh chỉ là thuần túy để nghe.
Trong khi đó, đời sống bây giờ quá bề bộn, người ta cần những khoảng lặng giống cái không khí của ký ức đã từng đi qua. Tôi từng tiếp xúc với nhiều khán giả đặc biệt là giới doanh nhân và nhận ra họ thật sự có nhu cầu đó. Nó không hề phù phiếm như nhiều người nghĩ.
Nghe anh phân tích âm nhạc Phú Quang thì cảm nhận là anh rất hiểu ông ấy?
Tôi không hiểu nhiều về Phú Quang vì tôi và anh ấy chỉ quen biết xã giao. Hồi Phú Quang ở trong Nam, tôi có đến nhà chơi mấy lần. Vấn đề là với một nhạc sĩ thì mình không thể hiểu họ bằng chính họ. Mình chỉ có thể "giải mã" họ qua âm nhạc.
Mỗi người có cách viết nhạc khác nhau, Trịnh Công Sơn là triết lý về cuộc đời hay những nhạc sĩ bolero là kể các câu chuyện tình trên thế gian còn với Phú Quang, anh ấy kể cho mọi người nghe về những hoài niệm.
Trong thời buổi phú quý sinh lễ nghĩa như hiện nay, cuộc sống càng giàu có, càng tiện nghi, càng không thiếu gì thì người ta càng có nhu cầu nhớ về ngày xưa.
Chẳng hạn, ngày xưa mà bán cơm thời bao cấp, chẳng ai đi ăn nhưng bây giờ thì khác. Khi người ta giàu có, người ta tranh nhau đi ăn cơm thời bao cấp, thi nhau đi nghỉ ở các resort làm từ tranh tre nứa lá. Thời nghèo khổ, có ai muốn ở nhà tranh nứa lá đâu nhưng giờ giàu có tiện nghi thì họ lại có nhu cầu đó.
Đó là nhu cầu nhớ lại những cái xưa cũ để thấy mình may mắn sống sót qua giai đoạn đó và giàu có. Thứ hai là ngày xưa có những thứ rất hồn nhiên nhưng giờ không còn nữa. Giờ đi đâu cũng thấy phong trào vintage, nhiều khi mình phản cảm nhưng đó là nhu cầu của xã hội và âm nhạc của Phú Quang đi đúng trend nên được chuộng như vậy.
Liveshow của Phú Quang, âm nhạc luôn là trên hết, ông không cần những thứ màu mè bên ngoài, không dựa tên ca sĩ hay nhạc sĩ hòa âm phối khí hàng đầu để bán vé...
Sự thật về giai thoại "keo kiệt" của Phú Quang
Nếu "giải mã" con người Phú Quang qua âm nhạc thì anh thấy gì?
Phú Quang là người sống rất tình cảm, đào hoa, có nhiều mối tình nhưng điều đó không ảnh hưởng tới âm nhạc Phú Quang.
Phú Quang luôn có một nỗi nhớ thường trực về Hà Nội và bằng chứng là anh ấy đang sống rất tốt ở Sài Gòn nhưng cuối cùng lại quyết định quay về Hà Nội trong khi khí hậu ở Sài Gòn tốt hơn cho người già rất nhiều.
Cũng có người nói Phú Quang "diễn sâu", phù phiếm vì Sài Gòn - Hà Nội cách nhau có 1, 2 tiếng bay nhưng không phải thế. Hà Nội nắng đổ lửa và cũng lạnh khủng khiếp nhưng có những người chỉ thích sống trong không gian đó. Rất nhiều người đã vào Nam nhưng không quen, lại quay về.
Tôi không biết Phú Quang có diễn sâu hay không nhưng chuyện anh ấy yêu Hà Nội thì đã được minh chứng rồi.
Có lần tôi nghe anh nói Phú Quang "keo kiệt" lắm. Câu chuyện đó như thế nào?
Đó là câu nói đùa của anh em trong nghề về Phú Quang. Bình thường mọi người khi làm show thường mời những người hòa âm phối khí hàng đầu, phải trả rất nhiều tiền như Đức Trí, Hoài Sa nhưng Phú Quang thì tự làm từ A đến Z.
Anh ấy chỉ làm nhạc của mình tức là "của nhà trồng được", ban nhạc quanh đi quẩn lại cũng nhiêu đó con người đã đồng hành cùng Phú Quang mấy chục năm.
Liveshow, Phú Quang tự tổ chức, tiết kiệm tối đa nên mọi người hay đùa là liveshow Phú Quang hết một triệu rưỡi, thuê cái xích lô 500.000 đồng chở mấy cái dây thừng, mấy cây hoa là có sân khấu.
Với vốn kiến thức âm nhạc sâu rộng từ việc ngồi ghế giám khảo nhiều chương trình, giảng dạy và cả biên tập chương trình âm nhạc, nhà báo Minh Đức đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về nhạc sĩ Phú Quang.
Nói thế để thấy là Phú Quang rất tự tin vào âm nhạc của mình. Sức hấp dẫn của Phú Quang là âm nhạc, anh ấy không cần những thứ màu mè bên ngoài hay sống dựa vào tên người khác. Phú Quang không cần dựa vào tên nhạc sĩ hòa âm phối khí hàng đầu hay ca sĩ diva để bán vé.
Ngày xưa Thanh Lam, Hồng Nhung hát nhạc Phú Quang và đều là những cái tên nổi tiếng nhưng Phú Quang sẵn sàng đầu tư cho Ngọc Anh. Lúc đó, Ngọc Anh chưa nổi tiếng như mấy người kia. Phú Quang tự tin đến mức sẵn sàng mời những ca sĩ chưa nổi tiếng để hát liveshow của mình thay vì có diva.
Thực ra, Phú Quang từng làm album, liveshow chơi với nguyên dàn nhạc giao hưởng. Nghĩa là Phú Quang cũng "dám chơi" nhưng cốt lõi là anh ấy quá tự tin vào âm nhạc của mình.
Anh ấy tin rằng, hát với một piano hay với một dàn nhạc giao hưởng thì hiệu quả là như nhau và khán giả vẫn mua vé như thường. Không cần phải làm to, làm hoành tráng thì khán giả mới đi xem.
Vì Phú Quang không cần bỏ tiền ra mà vẫn có liveshow hay nên bao nhiêu năm qua, mọi người cứ hay trêu anh ấy keo kiệt, làm liveshow hết triệu rưỡi, trong khi mọi người làm liveshow là phải tiền tỉ mời danh ca này, diva khác, với thiết kế sân khấu hoành tráng... nhưng Phú Quang không cần thế.
Với Phú Quang âm nhạc là trên hết, cái gì cũng vừa phải nhưng khán giả xem chương trình hay mua đĩa vẫn thấy mình được trân trọng và album đó là vật đáng mua, đáng sưu tập, đáng giữ gìn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!