Đêm nay, Việt Nam đón cực đại "rồng trời phun lửa"

Anh Thư |

Từ phía "rồng trời" - chòm sao Draco - sẽ tuôn ra cơn mưa sao băng đầu tiên của tháng 10-2023, kéo dài tới đêm 10-10.

Đó là trận mưa sao băng mang tên Draconids, xảy ra khi Trái Đất đi ngang đám mảnh vụn từ chiếc đuôi của sao chổi 21P-Giacobini-Zinner vào mỗi tháng 10 hằng năm.

Đêm nay, Việt Nam đón cực đại rồng trời phun lửa - Ảnh 1.

Một trận mưa sao băng - Ảnh: NEWSWEEK

Theo Time and Date, mặc dù Draconids là nguyên nhân gây ra một số trận mưa sao băng ngoạn mục nhất trong lịch sử - với lần gần đây nhất là năm 2011 - nhưng nó sẽ hầu như chỉ là trận mưa sao băng nhỏ trong các năm còn lại.

Định vị tại TP HCM bằng công cụ của Time and Date cho thấy thời điểm cực đại của mưa sao băng từ " rồng trời " sẽ rơi vào đêm 9-10, rạng sáng 10-10, với vị trí quan sát tốt là các quốc gia thuộc Bắc bán cầu.

Mưa sao băng Draconids năm nay sẽ khá nhỏ, với khoảng 10 sao băng mỗi giờ. Tuy có nguồn gốc từ sao chổi nhưng nó lại được đặt tên theo tên Latin của chòm sao Thiên Long (Draco). Đó cũng là nơi mà các ngôi sao băng sẽ tuôn ra.

Vì vậy, đêm nay, bạn hãy để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút, tìm một nơi thoáng đãng và ngước lên trời tìm chòm sao có hình con rồng, với thân bị kẹp giữa hai chòm sao hình con gấu - Đại Hùng và Tiểu Hùng.

Mưa sao băng Draconids sẽ tỏa ra từ ngay phía đầu rồng, tạo nên cảm giác "rồng trời phun lửa" ngoạn mục.

Những ngôi sao băng đầu tiên của Draconids đã bắt đầu xuất hiện từ trước đêm cực đại vài ngày và dự kiến sẽ hoàn toàn kết thúc vào ngày 10-10.

Đêm nay, Việt Nam đón cực đại rồng trời phun lửa - Ảnh 2.

Bản đồ bầu trời, với mưa sao băng được đánh dấu tỏa ra từ đầu của "rồng trời" Thiên Long, gần với ngôi sao sáng Vega - Ảnh: EARTHSKY

Cuối tháng này, người Trái Đất sẽ có dịp chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lớn hơn là Orionids, một trong hai trận mưa sao băng có nguồn gốc từ sao chổi Halley.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại