Đêm kinh hoàng bên dòng Vu Gia

TRẦN THƯỜNG |

Dù thoát chết khỏi cơn lũ dữ nhưng trên gương mặt nhiều người dân vùng lũ Đại Lộc, Quảng Nam vẫn hằn nỗi lo âu bởi khó khăn còn chồng chất phía trước.

Ngày 7-11, nước bắt đầu rút dần ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Sau 2 ngày bị ngâm trong nước, nhà cửa, làng mạc nơi đây xơ xác, tiêu điều.

Gào khóc vô vọng trong đêm

Trong căn nhà bị lũ trôi hết móng ở thôn 4, xã Đại An, vợ chồng ông Nguyễn Đình Nho (SN 1968), bà Lê Thị Lê (SN 1972) rang một nhúm bắp khô ăn tạm. Nhà đã không còn gì ăn. Kể lại cái đêm kinh hoàng hôm 5-11, hai ông bà đều không tin họ đã thoát chết.

Lúc 21 giờ, nước lũ ồ ạt tràn vào nhà. Nước lên đến đâu, vợ chồng cuống cuồng di chuyển đồ đạc, vật dụng lên cao đến đó. Đến 23 giờ, hai vợ chồng và 2 con gái ngồi thu lu trên gác thì nghe một tiếng động lớn rung chuyển cả căn nhà.

Đêm tối mênh mông, nước dâng dưới chân, mưa đổ trên đầu, ông Nho liên tục gọi điện thoại cho cơ quan chức năng huyện Đại Lộc và cảnh sát 113 cầu cứu. Nhưng nước quá lớn, giữa đêm khuya không thể đưa phương tiện vào ứng cứu.

Ông Nho chỉ biết động viên 3 mẹ con, còn bà Lê thì thắp nến cầu nguyện. Tiếng khóc của họ chìm nghỉm trong tiếng mưa và tiếng dòng nước cuồn cuộn chảy. Đêm hôm đó, các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ với lưu lượng lớn.

Càng về gần sáng, nước càng lên cao, bà Lê nghĩ cầm chắc cái chết, đôi chân cứ run lên bần bật. "Vợ chồng tôi có chết cũng không sao nhưng nghĩ đến con là ứa nước mắt, tim đập dồn dập như trống đánh.

Tôi với ông ấy bàn nhau nếu nước không rút hoặc căn nhà có dấu hiệu bị xê dịch thì sẽ cõng 2 con rồi buộc dây leo lên cây sầu đông phía sau nhà. Nếu không thoát chết, ít nhất cũng không bị trôi mất xác" - bà Lê kể.

Rất may, đến 2 giờ ngày 6-11, nước rút dần. Dù đối diện cái chết nhưng vợ chồng ông Nho không gọi điện cho con trai Lê Đình Văn (SN 1994, đang học ĐH ở TP Đà Nẵng). Trưa 7-11, anh Văn về đến nhà.

Thấy cảnh nhà tan hoang, cha mẹ và các em bơ phờ, Văn ùa tới ôm 2 đứa em gái mà khóc...

"Tôi nói vợ con đừng có gọi điện cho thằng Văn. Nếu biết, chắc nó sẽ tìm mọi cách chạy về trong đêm. Lỡ nó có mệnh hệ gì thì biết làm sao. 4 người chết thì phải còn Văn sống để hương khói" - ông Nho nói.

Cảm ơn tình làng, nghĩa xóm

Cách nhà vợ chồng bà Lê khoảng 1,5 km, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Minh (SN 1965) và bà Phan Thị Lương (SN 1976) bị nước đánh vỡ toang, cả một bức tường đổ sập. Vợ chồng và 2 người con đành ở nhờ 4 người hàng xóm.

Khuya 5-11, khi nước lên ngập quá đầu người, cả nhà bật đèn pin ngồi trên gác cầu mong nước rút. Thế rồi căn nhà lắc dữ dội, những thanh tre và mái tôn rung lên bần bật. Ba mẹ con bà Lương ôm nhau khóc giữa đêm.

Ông Minh cầm điện thoại gào lên cầu cứu chính quyền và hàng xóm trong vô vọng. Hơn một giờ sau, nước bắt đầu tràn lên gác thì 3 anh em nhà hàng xóm gồm Nguyễn Đình Triết, Nguyễn Đình Trình, Nguyễn Đình Pháp bơi ghe tới cứu.

"Tôi nghe tiếng gọi í ới ở khoảng cách rất gần của 3 anh em Triết nhưng mưa to gió lớn, nước chảy quá xiết nên phải mất 20 phút, họ mới tiếp cận được nhà tôi. Vợ chồng tôi để 2 đứa con cho 3 anh em Triết đưa đi trước.

Hai giờ sau, 3 đứa cháu mới tiếp cận được nhà tôi và đưa vợ chồng tôi ra ngoài. Về đến nơi, tất cả đều kiệt sức. Cảm ơn tình làng nghĩa xóm, nếu không có 3 anh em Triết thì không biết cả nhà tôi có còn sống sót được đến bây giờ không" - bà Lương xúc động.

Gia đình bà Lê may mắn thoát chết nhưng đã trắng tay. Còn gia đình ông Minh dù nước đã rút cũng không dám ở trong căn nhà của mình vì nó có thể sập bất cứ lúc nào.

Bên dòng Vu Gia, không biết có bao nhiêu hoàn cảnh như gia đình bà Lê, bà Lương đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Chủ tịch nước và Thủ tướng thăm hỏi người dân

Chiều 7-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến đập An Trạch, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để kiểm tra công tác điều tiết lũ của huyện. Chủ tịch nước cũng đến tận nhà những hộ bị ảnh hưởng nặng sau lũ và các hộ chính sách để thăm hỏi, động viên và tặng quà.

photo-1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi người dân Đà Nẵng.Ảnh: VĨNH QUYÊN

Đợt lũ vừa qua cả huyện có 79/112 thôn bị ngập; hơn 10.743 nhà dân bị ngập do lũ và 316 hộ dân phải di dời cùng hàng chục hecta hoa màu, tài sản của người dân bị hủy hoại, ước tính thiệt hại hơn 44 tỉ đồng.

Ngay sau khi vừa tới TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vào tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, trao quà cho những hộ dân đang sinh sống trong khu phố cổ bị ngập nhà.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp phải sớm dọn dẹp, khắc phục thiệt hại do mưa lũ kéo dài để bảo đảm cuộc sống cho người dân, ổn định lại hoạt động du lịch tại Hội An và nhất là an toàn cho hoạt động Tuần lễ APEC diễn ra ở TP này.

B.Vân - V.Quyên

Một mình một ghe cứu 15 người

Đến chiều 7-11, mực nước ở hầu hết các sông trên địa bàn Quảng Ngãi đã rút xuống khá mạnh, nhiều nơi còn dưới mức báo động 2.

Theo ông Lê Văn Thịnh (ngụ thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành), nơi đây vừa xảy ra đợt lũ kép khiến người dân không kịp trở tay.

Sau đợt lũ đêm 5-11, đến sáng 6-11 lũ rút bớt. Chưa kịp mừng thì đến 18 giờ ngày 6-11, lũ bất ngờ lên lại. Đến 21 giờ, lũ đã cao hơn đêm trước hơn nửa mét. Nhà cửa người dân ở đây ngập hơn nửa nhà.

Lũ đi qua để lại những đống bùn đất, đổ nát, hàng ngàn gia súc, gia cầm chết trôi nổi khắp nơi. Thế nhưng, trong khung cảnh tang thương, chúng tôi còn nghe những câu chuyện đầy ắp tình người trong lũ dữ.

Đó là chiều 5-11, khi nước lũ trên sông Trà Bồng dâng cao, nhấn chìm hàng ngàn hộ dân ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, rất nhiều người già, trẻ con ở thôn phải leo lên nóc nhà cầu cứu.

Nghe tiếng la hét, anh Lê Văn Quả (38 tuổi) chèo ghe đến kịp cứu 15 người.

"Thiệt tình lúc đó chèo ghe đi cứu người cũng sợ lắm nhưng thấy nhiều bà con đối mặt nguy hiểm, nhà bị ngập sâu đến gần hết nóc, làm sao ngồi yên được.

Thà mình không có ghe, có ghe mà thấy bà con nguy hiểm cũng bỏ mặc, lương tâm cắn rứt lắm" - anh Quả vừa sửa chiếc ghe vừa kể lại.

T.Trực

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại