Đề xuất xem lại khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn": Nhìn Mỹ, nghĩ đến ta

Hiệu Minh |

Tại một hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức mấy ngày trước, đã có một đề xuất như vậy. Nhưng nhìn sang Mỹ - nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới - sẽ thấy còn nhiều cái cần phải bỏ để giáo dục Việt Nam không đứng phía cuối trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Hôm trước đi café với dịch giả Dương Tường ngoài 80 tuổi sống qua hai thế kỷ, hưởng thụ nền giáo dục Pháp, Việt và quốc tế, tôi hỏi về câu khẩu hiệu quen thuộc này tại các trường ở Việt Nam. Ông trầm ngâm, trong một chừng mực nào đó, câu này vẫn cần vì nếu hiểu "tiên học lễ" nghĩa là "học làm người trước", chứ không phải học lễ nghĩa như nho giáo phong kiến. Mà học làm người thì đâu chỉ có học trong trường.

Đi từ Nam ra Bắc thăm các trường, đâu đâu cũng thấy đồng phục, khẩu hiệu, cờ phướn rợp trời. Nhưng dường như GDP càng cao, kinh tế đi lên, phần "người" ít đi so với thời nghèo khó.

Một ngày nào đó các em học sinh đâm đơn xin vào các trường quốc tế tại các nước phát triển. Một câu hỏi thường đặt ra, motto (khẩu hiệu) của em là gì? Trường em học có gì đặc biệt? Nếu câu trả lời của 10 em từ Việt Nam xin vào Harvard đều là "Tiên học lễ…" thì ban tuyển chọn nghĩ gì về sự sáng tạo.

Motto của các trường học Hoa Kỳ

Cũng câu hỏi đó nếu là một học sinh Mỹ thì câu trả lời rất đa dạng. Hai cậu con trai nhà tôi học ở trường PTCS Mosby Woods ở Fairfax, Virginia, có câu khẩu hiệu ngay cửa ra vào khiêm nhường chỉ có ba từ đơn giản "Learn, Give and Thrive – Học, cống hiến và thành đạt".

Tác giả Hiệu Minh

Khi các cháu chuyển về trường Ashlawn ở Arlington, motto đã khác "học để tự học, cống hiến cho vùng, quốc gia và toàn cầu", mục đích là thành công dân toàn cầu bởi trường này có học sinh từ 40 quốc gia khác nhau.

Sang cấp 2, học tại trường Swanson mang tên một vị tổng chỉ huy hải quân nổi tiếng thời tổng thống Roosevelt những năm 1930 từng thuyết phục 5 vị đô đốc hải quân nhằm cải tổ quân đội, thì motto lại gắn với danh tiếng của Swanson và người lính hải quân "Nghĩ kỹ và mở mang đầu óc, hãy kết nối, và giữ tinh thần cao thượng".

Trường Sandy Hook, nơi xảy ra vụ bắn giết kinh hoàng tháng 12-2012, có motto "Think you can. Work hard. Get smart. Be kind. – Luôn nghĩ sẽ làm được. Học hành chăm chỉ. Trở thành thông minh. Và hãy tốt bụng". Đến năm 2010, cô hiệu trưởng mới tỏ ra thân thiện với học trò đã thêm "Have fun – hãy vui vẻ".

Tùy vào môi trường, địa phương, tên gọi hay mục đích giáo dục mà mỗi trường tự đưa ra các motto khác nhau, nhưng mục đích là "xây dựng tương lai tốt đẹp hơn thông qua đào tạo từng học sinh một" như cô giáo viết trên tường trong lớp 4 của cậu con trai thứ 2 nhà tôi.

Vài cái chuẩn của trường học Mỹ

Người Mỹ có chuẩn Mỹ gọi là American Standard. Chuẩn từ ổ điện ba chân đến vòi nước, kích cỡ cửa ra vào, chiều cao trần nhà, sơn cửa, đến vạch kẻ cho xe hơi đỗ.

Trường học của Mỹ cũng thuộc vào chuẩn, diện tích, rộng dài, bao nhiêu học sinh trong một lớp và số lớp đều có hướng dẫn.

Đến trường Sandy Hook ở Connecticut hay Ashlawn ở Virginia thấy kiến trúc khá giống nhau, từ cửa ra vào, khuôn viên, nơi vui chơi, sân chơi thể thao trong nhà (gym) đến hội trường, chỗ cho các em học sau giờ để đợi bố mẹ đi làm về đến đón.

Thường là nhà tòa nhà khép kín nửa nổi, nửa chìm, 2 tầng, tầng mặt bằng với cửa ra vào dành cho lớp nhỏ, tầng hầm nhìn ra khuôn viên dành cho lớp lớn.

Trường tiểu học trung bình khoảng 400-500 học sinh. Ở chỗ đông cư dân có thể cao hơn chút lên tới 600-700. Mỗi lớp thường có khoảng từ 15 đến 25 học sinh, lớp 1 thì ít hơn khoảng trên dưới 10 em. Bàn học không xếp hàng lối từ trên xuống như bên Việt Nam, mà các em ngồi bàn tròn, chia làm 3-4 nhóm học tập để tiện trao đổi.

Buổi trưa có ăn của dịch vụ cung cấp, có thể mua ăn theo tháng. Nhà nghèo thu nhập dưới 20.000 – 30.000$/người/năm được miễn phí, cao hơn chút phải đóng một phần, giầu chút thì đóng toàn bộ, khoảng 2$-3$/bữa.

Tùy từng bang mà chi phí giảng dạy có thể dao động trong khoảng 20-40 ngàn đô la/năm cho mỗi học sinh. Nếu là trường công thì lấy từ tiền đóng thuế của dân tiểu bang. Bộ Giáo dục không có vai trò phân bổ kinh phí.

>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây

Những cái không chuẩn

Đó là sách giáo khoa, đồng phục, khẩu hiệu như đã viết ở trên, còn về giáo án… không trường nào giống trường nào.

Lịch sử thắng trận của các bang phương Nam và phương Bắc viết khác nhau. Tướng Rober Lee thua trận trong nội chiến Hoa Kỳ vẫn được mang tên con đường dài nhất Virginia (Lee Highway) và học sinh coi ông là vị tướng tài ba. Trong khi đó, Ulysses S. Grant, vị tướng miền Bắc chấp nhận Robert Lee đầu hàng, cũng được các em học như tướng Lee.

Mỗi thầy/cô dạy theo một giáo án khác nhau và không có sách giáo khoa chuẩn của bộ Giáo dục qui định. Thầy cô gợi ý nên đọc thêm sách này, sách kia. Ra bài tập về nhà bằng những tờ in sẵn. Không lớp nào giống lớp nào.

Quận và tiểu bang có qui định cụ thể, dạy thế nào thì tùy, nhưng sau mỗi học kỳ, học sinh phải vượt qua được những kiểm tra tối thiểu về toán, văn, lịch sử, đọc và viết.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ – Yếu nhất trong các bộ

Dân Mỹ không thích chỉ đạo, nhất là chỉ đạo về giáo dục "nhỡ lão trùm sò ngu thì sao". Ngu mà chỉ đạo thì đó là thảm họa quốc gia, liên quan đến hàng trăm triệu người và nhiều thế hệ. Giáo dục do dân, vì dân, có lẽ từ đây mà ra.

Bộ Giáo dục không có quyền chọn lựa giáo án, duyệt sách giáo khoa, hay đánh giá trường lớp, tuyển các thầy cô giáo. Tất cả việc này do chính quyền địa phương và tiểu bang chi phối.

Bộ có biên chế khoảng 5000 cán bộ và không có bất kỳ ảnh hưởng gì tới các trường và hệ thống giáo dục tại địa phương, ngoài việc đưa ra vài dữ liệu về giáo dục, thống kê trường học.

Đã nhiều lần các Tổng thống như Reagan, sau này nhiều ứng viên Tổng thống muốn xóa sổ Bộ Giáo dục vì coi bộ này là vi hiến, nhất là đảng Cộng hòa, vì trong Hiến pháp không có từ nào là "education – giáo dục".

Thành lập từ năm 1867 nhưng sau bị xuống cấp thành một văn phòng trong năm 1868, không có hàm Bộ trưởng và sau này thành một văn phòng nhỏ thuộc Bộ Nội vụ.

Năm 1939, văn phòng giáo dục này được chuyển sang bên cục liên bang an ninh, rồi nhập vào Bộ Y tế, giáo dục và phúc lợi.

Năm 1979, Bộ Giáo dục mới là thành viên của chính phủ thời Jimmy Carter, được coi là một sự can thiệp không cần thiết của liên bang vào công việc nội bộ của tiểu bang. Họp Quốc hội không ai chất vấn về giáo dục.

Motto các trường và nền giáo dục đa dạng của Hoa Kỳ có được là do Bộ Giáo dục không có vai trò chỉ đạo tới chi tiết như đồng phục, sách giáo khoa hay kể cả khẩu hiệu treo trước cổng.

Cho tới thời điểm hiện nay thì nền giáo dục này vẫn được coi là tiên tiến trên thế giới bởi mỗi học trò, mỗi thầy, mỗi cô đều mang riêng cho mình một motto trong cuộc sống.

Đồng phục tới trường, đồng phục trong khẩu hiệu "Tiên học lễ" phải nghĩ lại nếu muốn hội nhập. Sự sáng tạo sẽ bị bóp nghẹt bởi sự xơ cứng. Như dịch giả Dương Tường nói, học làm người có nhiều cách.

Sự sáng tạo của thầy, trò, gia đình và xã hội sẽ làm nên nền giáo dục thương hiệu quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại