Loài rùa Hoàn Kiếm còn biết đến với tên gọi Giải Thượng Hải, từng có một vùng phân bố rộng lớn từ phía nam Trung Quốc đến Bắc Trung bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi cụ rùa Hồ Gươm mất vào tháng 1/2016, cả thế giới chỉ còn 3 cá thể. Hai cá thể ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc và một cá thể ở hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Việc nhân giống loài rùa quý hiếm nhất thế giới này đang bế tắc. Tại Trung Quốc hai cá thể rùa Hoàn Kiếm gồm một đực, một cái đã được ghép đôi.
Tuy nhiên, hàng năm quả trứng không được thụ tinh. Lý do được các chuyên gia nhận định, do cá thể đực quá già. Trong khi Việt Nam chỉ có một cá thể ở hồ Đồng Mô, chưa xác định giống đực hay cái.
Vì thế, việc phát hiện thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh, Hà Nội tháng trước mang tính chấn động, mở ra cơ hội bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới.
Trong dự thảo kế hoạch bảo vệ rùa hoang dã ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội xây dựng, có đề xuất phương án xác định giới tính 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm.
Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho rằng, đây là mấu chốt để xây dựng phương án cụ thể cho việc bảo tồn, nhân giống loài rùa này.
Trước mắt cần xây dựng hồ Đồng Mô thành khu bảo tồn rùa, sau đó đưa cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh về hồ Đồng Mô rồi tiến hành xác định giới tính.
Theo ATP, việc xác định giới tính của loài rùa không đơn giản vì rùa không có cơ quan sinh dục bên ngoài như động vật có vú. Phương pháp truyền thống là bắt rùa lên sau đó thực hiện siêu âm (việc phân biệt giới tính phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể rùa).
Tuy nhiên, ATP cho biết, với công nghệ hiện nay, việc xác định giới tính có thể dựa vào công nghệ gene. Tại Việt Nam, TS Lê Đức Minh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có thể thực hiện việc này.
ATP cho biết, nếu hai cá thể rùa Hoàn Kiếm của Việt Nam gồm một đực, một cái sẽ là phương án lý tưởng nhất, khi đó sẽ tiến hành nhân giống loài trong môi trường có kiểm soát.
Trường hợp cùng đực, cùng cái sẽ lên các phương án bảo tồn khác như nhân bản vô tính…
ATP cũng cho biết, các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ, chăm sóc, xác định giới tính cũng như nhân giống loài rùa này.