Đề xuất Úc ‘ly dị’ Trung Quốc về kinh tế bị chê tơi bời

Bình Giang |

Những lời kêu gọi doanh nghiệp Úc thoát khỏi tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc không là gì khác ngoài một “ý tưởng kinh tế xác sống” đang được dùng làm công cụ chính trị để thúc đẩy sự tách rời giữa hai nước, báo cáo của Viện Quan hệ Úc – Trung thuộc ĐH Công nghệ Sydney đánh giá.

Cuộc tranh luận về sự phụ thuộc quá nhiều của Úc vào thương mại với Trung Quốc nóng lên trong thời gian gần đây do tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng khi Trung Quốc phong toả để đối phó với COVID-19. Điều này thúc đẩy Úc tiến hành cuộc điều tra toàn quốc vào cuối tháng 2 để làm rõ “nguy cơ dễ bị tổn thương của kinh tế Úc trước các tác động bên ngoài”.

“Sự phụ thuộc thương mại đáng kể vào Trung Quốc bản thân nó không phải bằng chứng thuyết phục cho thấy các doanh nghiệp Úc thiếu trách nhiệm trong quản lý rủi ro hay cả nước quá phụ thuộc”, báo cáo của 2 nhà nghiên cứu James Laurenceson và Michael Zhou viết.

“Về xuất khẩu, các doanh nghiệp Úc đang bán nhiều hàng hoá vào thị trường Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu thị trường bị gián đoạn. Điều này trở thành động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp phải nắm bắt được cả cơ hội và rủi ro, cũng như có bước đi để giảm nhẹ rủi ro”, báo cáo viết.

Theo nghiên cứu, một số cơ sở của Úc như các trường đại học bị chỉ trích nhiều hơn cả vì phụ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc mà bỏ qua lợi ích về an ninh quốc gia.

Sự tăng trưởng của các đại học Úc – nhờ lượng sinh viên quốc tế đông đúc – tạo ra hơn 250.000 việc làm ở nước này trong năm 2018, và những ngành công nghiệp khác của Úc như ngành len cũng tiếp tục phát triển tốt nhờ Trung Quốc mua nhiều.

Chuyên gia tư vấn Alfred Chung, công tác tại hãng nghiên cứu Alpha Consultancy, nhấn mạnh thực tế rằng ngành công nghiệp thịt bò của Úc bán 2/3 sản phẩm cho Trung Quốc.

Là đối tác lâu dài của Hiệp hội nông dân quốc gia Úc, ông Chung nói rằng lời kêu gọi đa dạng hoá thị trường ngoài Trung Quốc không là gì ngoài “sự ồn ào ở Canberra” và là cái vỗ vào mặt ngành nông nghiệp Úc vốn đã thiệt hại vì tình trạng khô hạn và cháy rừng nghiêm trọng gần đây.

“Các chính trị gia không trách móc nông dân, và đúng là tự sát khi phải đa dạng hoá thị trường trong lúc này”, ông Chung nói.

“Các nông dân thực tế đã phải tìm cách tránh phụ thuộc vào châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, và phải mất nhiều năm để các lãnh đạo Úc chiếm được lòng tin của Trung Quốc về xuất khẩu thịt bò.

Nếu chúng tôi phải tránh thị trường Trung Quốc từ bây giờ, sinh kế của Úc sẽ mất”, ông Chung đánh giá.

“Các chính trị gia nói chẳng có nghĩa gì vì sẽ có rất ít thị trường để nhiều doanh nghiệp toạ tạo được lòng tin và chỗ bán an toàn như Trung Quốc”, ông Chung nói.

Thịt bò và len nằm trong số những nông sản chính của Úc xuất khẩu sang Trung Quốc. Các sản phẩm khai khoáng như quặng sắt, khí đốt tự nhiên và than nằm trong nhóm tài nguyên xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường đông dân nhất thế giới. Trong ngành dịch vụ, giáo dục là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc, chiếm khoảng 1/3 tổng hàng xuất khẩu. Nhật Bản đứng thứ hai, nhưng chỉ chiếm 13/5. Mỹ đứng thứ tư trong danh sách, mua khoảng 5% tổng hàng xuất khẩu của Úc.

Robert Mackenzie, ông chủ thế hệ thứ năm của Maka Beef, một nhà xuất khẩu thịt bò của Úc, cho biết ông bán tất cả sản phẩm thịt bò cao cấp sang Trung Quốc, nơi có lượng cầu lớn nhất.

“Tôi hy vọng hai nước sẽ duy trì quan hệ thành công…nếu điều này không xảy ra, nhiều người sẽ bị tổn thương”, Mackenzie nói.

Theo báo cáo, có cách khác để quản lý rủi ro trong chuỗi cung ứng thay vì tách khỏi Trung Quốc. Chính phủ có thể có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tăng dự trữ những mặt hàng quan trọng hoặc duy trì kho hàng chiến lược.

Một cách khác để tăng tự túc là thông qua chính sách công nghiệp “tái công nghiệp hoá” nền kinh tế Úc, dù sáng kiến này nếu không có kế hoạch chắc chắn hoặc các thị trường dự phòng để thay thế Trung Quốc trong thời gian quá độ sẽ dẫn đến tình trạng giảm thu nhập và việc làm ở Úc, báo cáo viết.

Nhưng sáng kiến tái công nghiệp hoá cũng có vấn đề, theo đánh giá của GS Hans Hendrischke, công tác tại ĐH Sydney.

Học giả này tin rằng sẽ vô ích nếu cố làm sống lại ngành sản xuất ở Úc, nơi chứng kiến sụp đổ của nó khi hãng ô-tô Holden dừng sản xuất vào tháng 10/2017 do hoạt động không có lãi.

Thời kỳ đỉnh điểm, Holden bán được gần 180.000 chiếc xe và thuê 24.000 nhân công. Nhưng nó cũng tiêu tốn nhiều tiền thuế, với mức trợ cấp hơn 2 tỷ đô la Úc được dùng để trả cho nhà sản xuất General Motor mà Holden thuê trong 12 năm.

“Tách ra không phải một lựa chọn của Úc vì chúng ta không có cơ sở để làm điều đó, chúng ta không bị thâm hụt thương mại, chúng ta có thặng dư thương mại và điều đó đến từ thương mại với Trung Quốc. Chúng ta không phải cạnh tranh với Trung Quốc về công nghiệp như Mỹ hay châu Âu và Nhật Bản ở chừng mực nào đó”, ông Hendrischke nói.

“Tình hình ở đây cũng khác Mỹ, vì Washington có nhiều động lực để tách ra”, ông Hendrischke nhận định.

Theo nhà nghiên cứu này, điều tốt nhất mà Úc có thể làm là thúc đẩy sản xuất “thông minh”, nhưng vẫn cần nhập máy móc từ Trung Quốc.

Theo 2 nhà nghiên cứu Laurenceson và Zhou, Úc nhìn chung không phải “ly dị” với Trung Quốc về kinh tế, cho dù có phải cạnh tranh với Bắc Kinh về các mục tiêu an ninh quốc gia.

“Đang có những cuộc thảo luận quan trọng về việc quản lý rủi ro từ việc Úc lệ thuộc vào kinh tế quốc tế, đặc biệt khi phải đối mặt với những thách thức như COVID-19…nhưng nên gác lại những lập luận cho rằng lợi ích quốc gia của Úc được phục vụ tốt nhất khi tách ra”, báo cáo của Laurenceson và Zhou kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại