Đề xuất thu phí môi trường với khí thải: Một hình thức "bóp cổ"!

Minh Chiến |

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết cử tri chỉ kiến nghị thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải khu công nghiệp, không đề cập khí thải giao thông như lý giải của Bộ Tài chính.

Sau khi xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng về việc này. Tuy nhiên, các lý giải của cơ quan này có những mâu thuẫn khiến dư luận nghi ngờ.

Thực hư đề xuất của cử tri

Vụ Chính sách thuế cho biết việc đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí BVMT đối với khí thải ngày 26-11 của Bộ Tài chính xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai (do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Tài chính vào ngày 15-6) và UBND TP Hà Nội (tại công văn ngày 28-8) đề nghị trình cấp có thẩm quyền quy định phí BVMT đối với khí thải.

Như vậy, cơ quan này cho rằng "nguồn cơn" của đề xuất là từ các kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai. Nhưng trên thực tế, cử tri tỉnh Lào Cai đã kiến nghị gì với Quốc hội? Ngày 24-12, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, về vấn đề này.

Ông Vinh khẳng định cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí BVMT đối với khí thải công nghiệp. "Đề xuất này xuất phát từ thực tế ở địa phương có một số khu công nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm môi trường" - ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Vinh khẳng định trong đề xuất của cử tri không nhắc đến việc thu phí BVMT đối với khí thải của phương tiện giao thông.

Khi được hỏi về quan điểm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai trước thông tin này, ông Vinh cho biết đã nắm được nội dung qua báo chí, sẽ xin ý kiến của trưởng đoàn và đưa ra thông tin chính thức trong thời gian tới.

Như vậy có thể hiểu cử tri Lào Cai kiến nghị thu phí BVMT đối với khí thải công nghiệp nhưng sau khi được chuyển đến Bộ Tài chính đã trở thành khí thải của phương tiện giao thông (ôtô, xe máy - PV).

Trong các văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai, Bộ Tài chính cũng chỉ nhắc đến cụm từ "thu phí BVMT đối với khí thải công nghiệp". Dư luận cho rằng Bộ Tài chính đang đẩy vụ việc về phía cử tri.

Phí chồng phí, ai chịu nổi!

Trước những phản ứng gay gắt của dư luận về mối lo "phí chồng phí", Bộ Tài chính cho biết đây chỉ là một bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án thu phí BVMT đối với khí thải, để thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đồng thời phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phí và Lệ phí, Luật BVMT.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành về phương án thu phí đối với khí thải, bộ sẽ tổng hợp, hoàn thiện phương án thu phí theo nguyên tắc: Mức thu phí phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc thu phí này.

Ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt (TP Hà Nội), phải thốt lên rằng doanh nghiệp hết thở nổi vì các loại thuế, phí, nay lại thêm đề xuất về phí BVMT đối với khí thải.

Ông Bằng cho rằng đề xuất này khá vô lý bởi từ tháng 1-2017, các loại xe nhập khẩu hoặc lắp ráp trong nước đều phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Mức tiêu chuẩn này sẽ kiểm soát mức độ xả thải của phương tiện ra môi trường.

"Đối với những xe đạt tiêu chuẩn này, giá thành đã cao hơn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng tùy loại. Vậy tại sao lại phải đóng thêm phí khí thải nữa khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn đó?" - ông Bằng nhấn mạnh.

Theo ông Bằng, việc thu phí phải tùy thuộc vào mức độ xả thải của phương tiện trong khi hiện nay, nhiều loại xe đã áp dụng các công nghệ hiện đại, chi phí mua ban đầu cao.

Đối với các doanh nghiệp vận tải, việc thêm phí là tạo ra gánh nặng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp phải cắt giảm các loại chi phí không chính thức để duy trì hoạt động.

Do đó, ông Bằng cho rằng giải pháp căn cơ là khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện có công nghệ xả thải tiên tiến, thân thiện môi trường thay vì thu phí như đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, bày tỏ lo ngại về phí chồng phí nếu triển khai thu phí BVMT đối với khí thải.

Ông Long dẫn chứng mỗi lít xăng hiện nay gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế GTGT 10%, thuế môi trường sắp tới sẽ tăng lên 4.000 đồng/lít. Do đó, nếu thu thêm phí khí thải thì người dân không thể chịu được.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ việc thu phí môi trường đối với khí thải bởi trong xăng dầu đã có khoản thuế BVMT.

Việc này cho thấy một ôtô hoặc xe máy đang "gánh" trên mình nhiều loại thuế, phí khác nhau. Bên cạnh đó, việc phát thải của từng loại xe cũng khác nhau nên cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm công bằng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại bày tỏ lo ngại về việc các khoản thu từ phí, thuế môi trường sẽ được sử dụng như thế nào để bảo vệ, cải thiện môi trường và việc sử dụng có bảo đảm công khai, minh bạch, đúng chỗ hay không.

Tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần từ 1-1-2019

Từ ngày 1-1-2019, thuế BVMT sẽ chính thức tăng kịch trần.

Cụ thể, thuế BVMT với xăng tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.500 lên 2.000 đồng/lít, dầu ma-dút, dầu nhờn từ 900 lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 lên 1.000 đồng/lít. Tại 5 kỳ điều hành giá gần đây, các mặt hàng xăng dầu đều đồng loạt giảm giá.

Liên bộ Công Thương - Tài chính đã ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời tăng cường số tiền trích lập quỹ để chuẩn bị cho công tác bình ổn giá trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán.

Việc bảo đảm nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu để chi khi cần thiết sẽ hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, kiểm soát lạm phát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại