Đề xuất Thủ đô thu hút nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn, thủ khoa xuất sắc

Phương Thảo |

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được thu hút, trọng dụng nhân tài là người có khả năng tham mưu, đề xuất, thực hiện những vấn đề lớn đang đặt ra đối với Thủ đô (như vấn đề về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm dòng sông, ùn tắc giao thông,…) mà không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn; thủ khoa xuất sắc.

Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo vừa gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo Luật để phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương; rà soát quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tại Điều này để phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương; cân nhắc đối tượng được chi thu nhập tăng thêm là cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức, gắn với các cải cách về đánh giá năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm. Qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả công việc tại khu vực công, chất lượng dịch vụ công, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Đề xuất Thủ đô thu hút nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn, thủ khoa xuất sắc - Ảnh 1.

Công chức Bộ phận một cửa quận Đống Đa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tăng thu nhập gắn với cải cách về đánh giá năng lực, vị trí việc làm cũng góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, học sinh trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, góp phần bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh đang chuẩn bị thực hiện chế độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện quy định này”, Bộ Tư pháp cho biết.

Cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện thực hiện

Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện thực hiện và giao cho chính quyền Thành phố quy định cụ thể mức độ đãi ngộ phù hợp với từng đối tượng được thu hút.

Bổ sung đối tượng được thu hút, trọng dụng nhân tài là người có khả năng tham mưu, đề xuất, thực hiện những vấn đề lớn đang đặt ra đối với Thủ đô (như vấn đề về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm dòng sông, ùn tắc giao thông,…) mà không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn; thủ khoa xuất sắc.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát về tiêu chí, điều kiện thực hiện cũng như đối tượng thuộc diện thu hút, trọng dụng nhân tài để quy định phù hợp, đáp ứng được mục tiêu xây dựng và phát triển của Thủ đô; việc quy định đối tượng thu hút theo nguyên tắc không trùng lặp với các chính sách chung đã được quy định.

Đề xuất Thủ đô thu hút nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn, thủ khoa xuất sắc - Ảnh 2.

Có ý kiến đề nghị Thủ đô cần thu hút nhân tài để xử lý các vấn đề như môi trường, giao thông... Ảnh: Anh Tuấn.

Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chi tiết để có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, từ đó quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Tăng thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần mở rộng hơn chính sách xã hội, chính sách an sinh trong một số lĩnh vực; quy định rõ hơn chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm việc làm trong trường hợp không bố trí được đất sản xuất; xác định rõ mức hỗ trợ (đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu và tối đa; mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ việc khám sức khỏe miễn phí).

Đồng thời, mở rộng đối tượng phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm, người dân tộc thiểu số làm nghề “phi nông nghiệp” được hỗ trợ đất sản xuất; bổ sung chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho đối tượng “hộ cận nghèo”. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị rà soát không quy định lại các các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã được quy định trong các luật chuyên ngành.

Theo Bộ Tư pháp, chính sách an sinh xã hội tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và là nội dung mới so với quy định của Luật Thủ đô 2012, theo hướng tăng thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố khi quy định các chính sách hỗ trợ, mở rộng về phạm vi, đối tượng, nội dung, mức chi so với các chính sách chung hiện hành.

Ngoài ra, quy định tại Dự thảo đã quy định cụ thể, tách bạch hơn về chính sách xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, các đối tượng được thụ hưởng để quy định phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại