Đề xuất "thang, bảng lương" đang gây tranh cãi

Trực Ngôn |

Theo các chuyên gia lao động, việc bỏ quy định 5% giữa các bậc lương sẽ triệt tiêu động lực làm việc của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đề xuất bỏ khoảng cách trong xây dựng thang, bảng lương hoặc giảm từ 5% hiện nay còn 3%. Đề xuất này gây nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó có không ít ý kiến cho rằng việc này sẽ làm triệt tiêu động lực làm việc của người lao động (NLĐ).

Khuyến khích NLĐ

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng cả 2 phương án do Bộ LĐ-TB-XH đều hướng tới quyền lợi của doanh nghiệp (DN) hơn quyền lợi của NLĐ.

"Mức 5% theo quy định hiện hành vẫn còn quá thấp chứ chưa nói đến chuyện hạ còn 3%. Trong bối cảnh tiền lương tối thiểu (LTT) vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ, sẽ khó đòi hỏi NLĐ an tâm gắn bó lâu dài khi khoảng cách giữa mỗi bậc lương quá thấp. Đề xuất bỏ hẳn hoặc hạ bớt sẽ triệt tiêu động lực cống hiến của NLĐ" - ông Quảng bày tỏ.

Đề xuất thang, bảng lương đang gây tranh cãi - Ảnh 1.

Chính sách tiền lương phải tạo động lực làm việc cho người lao động

Nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) cơ sở cũng có nhận định tương tự. Ông Nguyễn Quang Duẫn, Chủ tịch CĐ Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM), dẫn chứng: Theo thỏa ước lao động tập thể được ký kết tại công ty, khoảng cách giữa các bậc lương được quy định là 5% và thời hạn xét nâng bậc là 3 năm.

Với các tiêu chí này, thu nhập công nhân (CN) sẽ cải thiện đáng kể nếu được nâng bậc, trong đó mức thấp nhất là 200.000 đồng. "Quy định giữa các bậc lương là để xem xét, đánh giá khả năng cống hiến của NLĐ, do vậy theo tôi, Bộ LĐ-TB-XH nên giữ nguyên quy định hiện hành" - ông Duẫn góp ý.

Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), cho rằng mức 5% như quy định hiện hành là để bảo đảm giữa các ngạch, các bậc có sự khác nhau và điều này có tác dụng động viên NLĐ phấn đấu làm việc để được nâng bậc.

"Quy định khoảng cách giữa các bậc là 5% chính là công cụ để DN khuyến khích NLĐ hăng say làm việc. Thực hiện tốt quy định này sẽ giúp DN ổn định quan hệ lao động" - ông Kiệt đánh giá.

Theo các kết quả khảo sát của Viện CN và CĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam), mức LTT của CN còn thấp. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CN và CĐ, cho rằng chỉ khi nào LTT bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ thì cơ quan soạn thảo (Bộ LĐ-TB-XH) mới nên tính đến việc điều chỉnh chính sách, trong đó có quy định khoảng cách giữa các bậc lương.

Chăm lo căn cơ

Khi chúng tôi đề cập đề xuất trên của Bộ LĐ-TB-XH, không ít chủ sử dụng lao động là DN lấy làm ngạc nhiên bởi lâu nay việc bảo đảm quy định khoảng cách 5% trong xây dựng thang, bảng lương được các DN tuân thủ khá tốt.

Theo ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), việc ổn định khoảng cách giữa các bậc lương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc ổn định quan hệ lao động tại DN.

"Quy định xét nâng bậc đối với CN ngoài thâm niên còn có trình độ tay nghề và năng suất lao động, do vậy để đạt cả 2 tiêu chí trên là không dễ dàng. Mức tăng 5% có ý nghĩa rất lớn đối với NLĐ, nhất là những người làm việc chăm chỉ, có năng suất cao. Được DN ghi nhận quá trình cống hiến, chắc chắn họ sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc" - ông Bình cho biết.

Tại công ty ông Bình quản lý, để động viên NLĐ làm việc, chính sách tiền lương được xây dựng khá linh hoạt. Chẳng hạn, CN có sáng kiến, giải pháp làm lợi cho DN luôn được ưu tiên nâng lương trước niên hạn (từ 1-2 bậc) và điều này tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong tập thể lao động.

Tại các buổi tiếp xúc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, đại diện các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng việc giữ nguyên quy định hiện hành sẽ không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên.

Theo đó, người có thời gian làm việc nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng BHXH cao và điều này sẽ khiến DN không muốn sử dụng lao động thâm niên mà tuyển lao động mới. Tuy nhiên, ông Trương Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng việc sự thông hiểu giữa DN và NLĐ thông qua chính sách tiền lương hợp lý là điều nên khuyến khích.

"Trong xu thế hội nhập, nhất định phải có sự khu biệt giữa bậc này với bậc kia. Chất lượng lao động thể hiện thông qua mức lương, do vậy, khoảng cách 5% giữa các bậc lương theo tôi nên được giữ nguyên bởi đây là quy định tiến bộ" - ông Nghĩa đề xuất.

Chẻ lương, lách luật khá phổ biến

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 90% cuộc đình công liên quan đến tiền lương và điều kiện làm việc, trong đó các cuộc đình công liên quan trực tiếp đến lương, tiền thưởng là khoảng 60%.

Tình trạng DN xây dựng thang bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản để trốn đóng BHXH (đóng với mức thấp) diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều DN đang tồn tại 3 loại lương: lương tham gia BHXH và giải quyết chế độ chính sách, lương để quyết toán thuế, lương thực chi cho NLĐ.

Ở nhiều DN, NLĐ không được nâng bậc lương, chỉ khi nào mức LTT vùng tăng thì NLĐ mới được tăng theo tỉ lệ tương ứng hoặc theo một mức cố định không thấp hơn mức LTT vùng.

"Thực tế là ở nhiều DN, CĐ cơ sở vẫn yếm thế khi thương lượng tiền lương với chủ sử dụng lao động. Do đó, nếu sửa Nghị định số 49/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định "cứng" 5% khoảng cách bậc lương, NLĐ sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông Lê Đình Quảng lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại