Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên đến 750 triệu đồng

Luân Dũng |

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa lên đến 750 triệu đồng; các hành vi vi phạm trong khám bệnh dược, trang thiết bị y tế… lên đến 100 triệu đồng.

Ngày 5/2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên thứ 26, thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhiều vi phạm trong lĩnh vực về giao thông, khám chữa bệnh, thiết bị y tế…được Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tối đa.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Đáng lưu ý, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe. Các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất; một số quy định thiếu tính khả thi.

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên đến 750 triệu đồng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Ảnh QH

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định, việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình như tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử.

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa lên đến 750 triệu đồng; các hành vi vi phạm trong khám bệnh dược, trang thiết bị y tế…lên đến 100 triệu đồng.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả có mức phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, nhiều nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật không phải là vấn đề bất cập được xác định trong báo cáo tổng kết, không được đánh giá tác động cụ thể.

Các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật cũng chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo tổng kết thi hành cho thấy, quá trình thực hiện không có khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.

Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực hiện nay đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ Luật hình sự quy định.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cần hướng đến khắc khục những hạn chế, vướng mắc đã thấy rõ trong thực tế áp dụng thời gian qua; cũng như đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, cần tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ tác động đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại