Đề cập đến số lượng các đơn vị hành chính, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng “số lượng 63 tỉnh thành hiện nay là quá nhiều”.
“Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 chỉ có 44 tỉnh, thành nhưng đến nay đã tăng lên thành 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố”, ông Hạ nói.
So sánh với các nước trong khu vực, ông Hạ cho biết, nước láng giềng với Việt Nam, có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố.
Có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành.
Từ đó, ông Hạ đề xuất Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhật một số tỉnh, thành.
“Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.
Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố", ông Hạ nói.
Ông cũng phân tích thêm rằng, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh; đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
“Sáp nhập các đơn vị hành chính là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy”, ông Hạ nói và cho rằng, đã đến lúc phải nhận thức rõ "tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều".
Cùng chung nhận định trên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, trong thời gian qua việc cải cách tổ chức, bộ máy được thực hiện một cách mạnh mẽ, hiệu quả.
Đơn cử như việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở Bộ Công an, Quảng Ninh, Hà Giang. “Đây là những cách làm rất hiệu quả, cần tiếp tục thực hiện”, ông Phương nói.