Đề xuất quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước

Minh Hiển |

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đề xuất quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Dự thảo nêu rõ đối tượng áp dụng gồm: Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước (Hội đồng giám sát); Hội đồng tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hội đồng tiêu hủy tiền in, đúc hỏng (Hội đồng tiêu hủy); các đơn vị thuộc NHNN; các cơ sở in, đúc tiền và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền.

Nguyên tắc giám sát tiêu hủy tiền

Theo dự thảo, việc giám sát tiêu hủy tiền được thực hiện tại các địa điểm tổ chức tiêu hủy tiền theo quy định về tiêu hủy tiền của NHNN.

Việc giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành, tiền giả, tiền bị hủy hoại được thực hiện ở các khâu kiểm đếm chọn mẫu trước khi tiêu hủy, kiểm đếm tiền tiêu hủy và cắt hủy (nấu hủy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu.

Việc giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng được thực hiện ở các khâu giao nhận tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng từ kho của các cơ sở in, đúc tiền đến kho của Hội đồng tiêu hủy, kiểm đếm tiền tiêu hủy và cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám sát

Dự thảo nêu rõ, Hội đồng giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1- Tổ chức thực hiện công tác giám sát tiêu hủy tiền theo quy định.

2- Phát hiện tồn tại, thiếu sót trong quá trình tiêu hủy tiền và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời; yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm quy định về tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền hoặc kiến nghị Thống đốc tạm dừng, đình chỉ đợt tiêu hủy trong trường hợp hành vi vi phạm có nguy cơ xảy ra thất thoát, mất an toàn tài sản trong quá trình tiêu hủy tiền.

3- Báo cáo, đề xuất Thống đốc các hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc các hình thức kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm quy định trong công tác giám sát tiêu hủy tiền.

4- Phối hợp với Hội đồng tiêu hủy tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo Thống đốc kết quả thực hiện công tác tiêu hủy, giám sát tiêu hủy tiền.

5- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ, tài liệu về giám sát tiêu hủy tiền.

Giám sát việc kiểm đếm chọn mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi đưa vào tiêu hủy

Theo dự thảo, Hội đồng giám sát thực hiện giám sát kiểm đếm chọn mẫu các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trong kho của Hội đồng tiêu hủy vào ngày đầu tiên của đợt tiêu hủy theo mẫu.

Nếu tổng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu có tỷ lệ thừa, thiếu, lẫn loại không vượt 0,01% về mặt giá trị trên tổng giá trị tiền được kiểm đếm chọn mẫu; hoặc tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông không vượt 0,5% về số lượng tờ trên tổng số tờ tiền được kiểm đếm chọn mẫu thì Hội đồng giám sát cho phép tiến hành công tác tiêu hủy tiền.

Trường hợp tổng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu có tỷ lệ thừa, thiếu, lẫn loại vượt tỷ lệ trên đây thì Hội đồng giám sát lập biên bản và đề nghị Hội đồng tiêu hủy tiếp tục thực hiện kiểm đếm chọn mẫu số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (số lượng kiểm đếm thêm do hai Hội đồng thống nhất quyết định). Nếu số tiền chọn mẫu vẫn vượt tỷ lệ quy định thì Hội đồng giám sát đề nghị Hội đồng tiêu hủy tạm thời dừng thực hiện công tác tiêu hủy tiền, đồng thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thống đốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại