Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Dự thảo luật quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm như cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo còn phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.
Với người có ảnh hưởng, ngoài có nghĩa vụ như người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, còn có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Theo dự thảo Luật, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết cơ quan thẩm tra tán thành việc bổ sung quy định này. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra băn khoăn khi dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng dự thảo luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung. Điều này dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh trên thực tế quảng cáo không đúng sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng khá phổ biến. Ông Tùng lo ngại khi người tiêu dùng tin vào quảng cáo, mua và sử dụng sản phẩm thì "lợi bất cập hại".
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị không chỉ quy định trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tình trạng các cơ quan đổ trách nhiệm cho nhau.
Cũng lo ngại về tình trạng quảng cáo "thổi phồng" về sản phẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng có quảng cáo nêu sản phẩm "chữa được bách bệnh". Ông Vũ Hồng Thanh kiến nghị cần làm rõ xem trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm vì các quảng cáo chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp cung cấp.