Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo tờ trình số 16 của UBND thành phố Hà Nội nêu đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về việc áp dụng pháp luật về quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ thủ đô.
Trụ sở UBND thành phố Hà Nội.
UBND thành phố xin ý kiến về quy định việc giao HĐND thành phố quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện, quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND thành phố (tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 25%)…
Trong đó, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực Nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố.
Thành phố được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
Đề xuất ngừng cung cấp điện, nước đối với cơ sở vi phạm về đất đai, xây dựng
UBND TP. Hà Nội cũng xin ý kiến về quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, điểm b, khoản 2 Điều 35, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau đây: "Công trình xây dựng không phép, trái phép; công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy".
Một công trình xây dựng vi phạm tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang được tháo dỡ
UBND TP. Hà Nội cho rằng, trong quá trình soạn thảo, thẩm định, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi sẽ ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp bất hợp lý vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể (người dân và doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước). Đồng thời, ảnh hưởng đến đời sống của các cá nhân không vi phạm hành chính (ví như áp dụng biện pháp tạm ngừng sử dụng dịch vụ điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư nhưng người dân lại là người có quyền, lợi ích liên quan).
Đây cũng là vấn đề đã được đưa ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô năm 2012 và cũng là vấn đề gây ra nhiều tranh luận khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với nội dung này, tại phiên họp Thường trực Chính phủ, tập thể Chính phủ mặc dù còn có ý kiến khác nhau, nhưng cơ bản Chính phủ thống nhất theo đề xuất của Hà Nội.
Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, người dân và giao dịch dân sự. Do đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến về vấn đề này.
Theo kế hoạch, dự án luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6, cuối năm 2023.