Đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp từ chức không quá 10 ngày từ khi công bố kết quả

Luân Dũng |

Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm, cụ thể đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng 11/5, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Mục đích của việc sửa đổi Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Về bố cục, dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 3 biểu mẫu mới.

Đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp từ chức không quá 10 ngày từ khi công bố kết quả - Ảnh 1.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Theo bà Thanh, nội dung chủ yếu của Nghị quyết bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; mục đích, yêu cầu, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm…

Về nguyên tắc, căn cứ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo bổ sung nguyên tắc và căn cứ lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW.

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung Điều 15 dự thảo Nghị quyết về hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Một số vấn đề được bà Thanh trình xin ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường ở thành phố Hà Nội

Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định “Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước HĐND quận, thị xã” nhưng không quy định HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.

Trong khi đó, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng quy định “HĐND Thành phố lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận”.

“Vì vậy, để tương đồng với quy định này, Ban Công tác đại biểu đề nghị tại thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường”, bà Thanh nêu.

Với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn và thời điểm thực hiện. Điều đó dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Do đó, Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm tại Điều 10, Điều 15 và khoản 4 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm; đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày”, bà Thanh nêu.

Điều 10 dự thảo quy định Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

1. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức. Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại