Bỏ quỹ này đưa vào quỹ khác
Ngày 23/10, Quốc hội lần đầu cho ý kiến Luật Phòng, chống nhiễm virus HIV/AIDS (sửa đổi). Trình Quốc hội, Ban soạn thảo đề xuất bãi bỏ Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại không đồng tình, vì quỹ này có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng tình bãi bỏ quỹ này, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, từ khi thành lập tới nay, hoạt động của quỹ còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đạt mục đích. Bằng chứng cho thấy, trong vòng 12 năm, Quỹ chỉ huy động được hơn 5,7 tỷ đồng. Những năm gần đây, số tiền huy động có xu hướng giảm. Cá biệt, có năm chỉ huy động được vài chục triệu đồng, năm 2019 chỉ có 11 triệu đồng.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số người khác đồng tình với quan điểm trên. “Thực tế, quỹ này không lớn, việc tiếp cận cũng như quản lý rất khó khăn. Trong khi đó, tại các địa phương đã có các cơ quan quản lý thực hiện, tiếp nhận một số nguồn tài trợ và vẫn đảm bảo công khai, minh bạch”, ông Quân cho hay.
Ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quỹ rất cần thiết, nhân văn và đang thực hiện rất trơn tru, nếu bãi bỏ là chưa hợp lý. “Cần giữ quỹ này nhưng phải làm sao quản lý chặt chẽ, công bằng, hợp lý, không để tiêu cực xảy ra”, đại biểu Hòa nêu. Cùng quan điểm, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) tán thành duy trì quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV này, vì đây là kênh có thể thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phòng, chống HIV/AIDS.
Giải trình sau đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV là chính sách nhân văn nhưng từ khi có quỹ tới nay không huy động được nhiều, dù đã cố gắng. Đề xuất dừng hoạt động quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, ông Long nói thêm, sau này khi Bộ Y tế trình dự thảo Luật Phòng bệnh sẽ đưa vào một quỹ chung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Ðề xuất bỏ quy định đóng tiền dịch vụ
Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, có ý kiến đề nghị bỏ quy định người lao động phải đóng tiền dịch vụ; cũng có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ mức trần tiền dịch vụ.
Nhấn mạnh sự cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, pháp luật hiện hành và dự thảo Luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện được tổ chức các hoạt động trên và phải bảo đảm việc thu tiền dịch vụ của người lao động một cách hợp lý, minh bạch, phù hợp với các điều ước quốc tế.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bãi bỏ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trong khi đó, ý kiến khác lại tán thành duy trì quỹ nhưng cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất cần thiết. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hiện vẫn còn hai loại ý kiến trái ngược nhau. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo 2 phương án: Phương án 1, chỉ giao Trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; phương án 2, không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh. Kết quả, có 26/40 đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 1.
Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu ủng hộ phương án xã hội hóa. “Cái gì xã hội làm được thì nên để xã hội hóa, Nhà nước không nên ôm đồm, dễ phát sinh nhiều phiền phức, tiêu cực”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm.
“Cái gì xã hội làm được thì nên để xã hội hóa, Nhà nước không nên ôm đồm, dễ phát sinh nhiều phiền phức, tiêu cực”, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)