Đề Văn lớp 10 ngắn nhất mùa thi học kỳ, chỉ vỏn vẹn 29 chữ

VŨ TRỊNH |

Thay vì đề dài thườn thượt cả trang giấy, đề Ngữ văn thi học kỳ I của 1 trường cấp 3 chỉ có đúng 2 dòng chữ.

Ngữ văn là môn học quan trọng trong chương trình phổ thông dành cho học sinh Việt Nam. Cùng với Toán, đây là môn có tính chất quyết định lớn về kết quả học tập, do đó rất nhiều học sinh đầu tư thật nhiều cho Văn. 

Thế nhưng không phải cứ ôn nhiều là điểm cao, nhiều người hay than thở về mức độ khó của Hóa hay Vật lý nhưng Ngữ văn mới thực sự là môn học không dễ kiếm điểm 10. Bởi ngoài việc học bài, học trò còn phải đảm bảo các yếu tố về cảm thụ cá nhân.

Mới đây, dân mạng phát sốt với đề thi học kỳ môn Ngữ văn siêu ngắn của trường THPT Dưỡng Điềm, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thay vì cho đề bài dài cả trang giấy thì ngôi trường này chỉ có duy nhất 1 yêu cầu dành cho học sinh khối 10. Nội dung vỏn vẹn 29 từ: Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về thực trạng xem nhẹ việc học tập tri thức của một bộ phận học sinh hiện nay.

Đề Văn lớp 10 ngắn nhất mùa thi học kỳ, chỉ vỏn vẹn 29 chữ - Ảnh 1.

Ảnh: Trường Người Ta

Thông thường, các học sinh phổ thông sẽ bắt đầu được làm quen với dạng đề gồm 2 phần là Đọc - hiểu và Làm văn. Trong đó, phần Đọc - hiểu thường là 1 đoạn văn, đoạn thơ được cho sẵn và yêu cầu thí sinh thực hiện các yêu cầu nhỏ. Còn ở phần Làm văn, thí sinh phải viết một bài văn thường là Nghị luận xã hội hoặc Nghị luận văn học.

Nhưng đề thi trên chỉ có đúng 1 yêu cầu dành cho học sinh với thời gian làm bài là 90 phút. Nhiều bạn sau khi đọc qua đề thi này liền tỏ ra "ganh tị" với các học sinh đến từ THPT Dưỡng Điềm. Ai cũng cho rằng, nếu chỉ có 1 câu như thế này thì hẳn học trò chẳng cần ôn tập hay mất thời gian học bài.

Đề Văn lớp 10 ngắn nhất mùa thi học kỳ, chỉ vỏn vẹn 29 chữ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhưng thực tế thì lại khác, bởi chỉ có 1 yêu cầu duy nhất lại là câu hỏi có tính chất mở rộng buộc thí sinh phải hết sức thận trọng. Gặp dạng đề này thí sinh có thể có tâm lý chủ quan ngay lập tức, làm vội làm tháo, từ đó khiến cho bài làm không trọn vẹn và mất điểm. 

Đối mặt với 1 câu hỏi nghị luận như trên buộc thí sinh phải vận dụng nhiều kỹ năng, thao tác từ giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận… đến vận dụng cả các phương thức biểu đạt như biểu cảm, tự sự, miêu tả, thuyết minh…

Không những thế, trong phần Nghị luận xã hội nói về một hiện tượng trong đời sống buộc người làm bài phải có vốn hiểu biết nhất định về vấn đề được nói đến, có kiến thức xã hội, có góc nhìn, quan điểm cá nhân. 

Phải làm sao để vừa thể hiện được chính kiến của mình nhưng không xa rời thực tế và phiến diện. Cũng vì nhiều học sinh cho rằng đề dễ mà giáo viên cũng có thể "cứng tay" hơn khi cho điểm và bài làm phải thực sự tốt mới mong có kết quả cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại