Tại các địa điểm nghiên cứu suốt chiều dài 2.400 km của dãy núi Rocky ở Mỹ, các nhà khoa học đang ghi nhận cuộc chiến của những con dê núi và cừu Bighorn. Cả hai đang tranh nhau các mỏ khoảng sản nằm giữa các tảng đá ở độ cao lên tới 4,3 km, đây là các nguồn tài nguyên mới vừa lộ ra do các sông băng trong khu vực dần biến mất.
Những cuộc cạnh tranh này chưa từng được mô tả chi tiết trước đây, cho thấy rằng hai trong số những loài động vật có vú bản địa lớn nhất của Mỹ đang tham gia vào một cuộc đấu tranh có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Theo các nhà nghiên cứu, một cuộc xung đột giữa các loài như vậy "có thể phản ánh sự suy thoái khí hậu cùng với sự thay đổi bản chất của các nguồn tài nguyên đáng thèm muốn".
Một con dê núi (ngoài cùng bên phải) đang di chuyển về phía ba con cừu Bighorn tại một vùng núi tuyết trong công viên quốc gia Glacier. Ảnh: Forest P Hayes
Joel Berger, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà khoa học cấp cao tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã cũng như Đại học Bang Colorado, nói rằng ông đã "kinh ngạc" khi thấy số lượng các cuộc giao tranh giữa hai loài móng guốc. Và trong số các trận chiến được quan sát, những con dê đã chiến thắng với tỷ lệ lên tới 98%, một minh chứng rõ ràng cho thấy chúng chính là những kẻ chiến đấu vượt trội trên các vách núi.
“Chúng là những con bò mộng của những ngọn núi”, Berger nói. “Chúng có những chiếc sừng giống như thanh kiếm, và tính cách cũng táo bạo hơn, hung hãn hơn. Những chú dê có tỷ lệ thắng rất cao”.
Đối thủ của chúng là cừu Bighorn (cừu sừng lớn), về cơ bản cũng là những kẻ đáng gờm. Loài móng guốc này có kích thước tương đương với dê núi và cũng sở hữu một cặp sừng dài, cong. Nhưng những con dê lại là chiến binh đáng sợ hơn do sự quyết đoán khi chiến đấu và cặp sừng sắc như dao cạo. Năm ngoái, một con dê núi đã húc chết một con gấu xám ở Canada.
Về cơ bản, dê và cừu thường tránh gây chiến dù ở gần nhau, nhưng khi có xung đột xảy ra xung quanh các khối khoáng chất, dê thường đuổi hết lũ cừu đi để tận hưởng nguồn chất dinh dưỡng này một mình.
Khoảng 300 sông băng đã biến mất khỏi dãy núi Rocky trong thế kỷ qua do hiện tượng nóng lên toàn cầu, khiến băng tuyết trong khu vực tan chảy. Biến động này đang phá vỡ các hệ sinh thái và gây lo ngại cho các cộng đồng sinh vật sống ở miền Tây nước Mỹ, vốn sống dựa vào nguồn nước lấy từ các sông và suối được cung cấp bởi các sông băng tan chảy. Tuy nhiên, quá trình tan chảy cũng làm phát lộ ra các mỏ muối và kali, loại khoáng sản được coi trọng bởi cả dê và cừu. Chúng cần phải liếm các mỏ khoáng này để thu được các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.
Những loài động vật này, có thể di chuyển khéo léo lên các dốc đá, giờ đây có thể phải mạo hiểm hơn nữa để leo lên các ngọn núi cao hơn để lấy những nguồn tài nguyên này khi băng tan đi. Điều này có thể dẫn đến nhiều sự tương tác cạnh tranh hơn, mặc dù không rõ liệu các xung đột có đang gia tăng về số lượng hay không, vì chưa có công tác điều tra nào trước đây từng được thực hiện.
Tê giác và voi đã xung đột về nguồn cung cấp nước. Ảnh: Andrew Forsyth
“Cách đây không lâu, những khu vực này bị bao phủ bởi băng và tuyết”, Berger nói. "Xung đột trực tiếp không phải là điều mà bất kỳ loài nào trong số này muốn, nhưng đây là những gì đang xảy ra."
Theo nhà nghiên cứu này, biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm tăng nguy cơ xung đột ở các khu vực khác trên thế giới, giữa các sinh vật như tê giác và voi, khi chúng cố gắng tiếp cận nguồn cung cấp nước đang ngày càng giảm.
“Dù là con người hay động vật, biến đổi khí hậu đang định hình lại tất cả tương lai của chúng ta”, Berger nói thêm.