Để tiêu diệt muỗi Zika và sốt xuất huyết, người ta đã làm bẫy muỗi giá siêu rẻ mà lại hiệu quả

Minh Đức |

Chắc chắn với loại bẫy này, người dân tại khu vực có nhiều muỗi sẽ bớt lo về nguy cơ mắc virus Zika

Muỗi thường thích làm tổ và đẻ trứng bên trong những chiếc bánh xe phế liệu. Vậy tại sao không sử phần phế liệu này để chống lại chúng?

Ý tưởng này đã được một nhà nghiên cứu người Canada phát triển và cho ra đời loại bẫy muỗi tự chế. Thông qua các thí nghiệm, thiết bị này đã chứng tỏ khả năng tiêu diệt muỗi hiệu quả của mình.

Thiết kế đơn giản của loại bẫy muỗi mới
Thiết kế đơn giản của loại bẫy muỗi mới

Loại bẫy này có tên gọi Ovillanta và được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu từ trường đại học Laurentian với sự giúp đỡ của viện quốc gia về y tế cộng đồng Mexico, cùng với sự hỗ trợ kinh phí từ chính phủ Canada.

Bẫy trứng muỗi được chế tạo từ hai phần với chiều dài mỗi phần khoảng 50cm, lấy từ những bánh xe hơi phế liệu. Hai phần bánh xe được thiết kế lại với hình dạng như cái miệng.

Sau đó, người ta đổ một chút chất lỏng vào bên trong. Khi nó hoàn thành, chiếc bẫy sẽ được treo trên cây.

Bên cạnh đó, người ta cho thêm một chút pheromone hóa học để thu hút muỗi. Để hoàn thành “tác phẩm” bẫy không gây độc hại này, người ta đặt một tấm gỗ nhỏ hoặc một mẩu giấy vào bên trong để muỗi đẻ trứng.

Bẫy được chế tạo từ phần vỏ xe hơi phế liệu
Bẫy được chế tạo từ phần vỏ xe hơi phế liệu

Hai lần mỗi tuần, tấm gỗ lại được tháo ra và các chuyên gia có thể phân tích phần trứng muỗi. Sau đó, họ sẽ tiêu diệt chúng bằng cách đốt hoặc dùng ethanol.

Giải pháp này mang tính hiệu quả và có thể sử dụng lâu dài bởi qua thời gian, lượng hormone xã hội pheromone sẽ tăng cao hơn cũng như khả năng thu hút muỗi tới sẽ tốt hơn.

Đây quả thật là một chiếc bẫy tinh quái mà muỗi khó lòng có thể cưỡng lại.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trong vòng 10 tháng với hệ thống này tại Guatemala. Như được kỳ vọng, loại bẫy Ovillanta đã giúp giảm số lượng loài muỗi Aedes chuyên lây truyền bệnh cho con người.

Aedes là nguyên nhân phát tán các loại virus như Zika, sốt xuất huyết, bệnh vàng da, chikungunya, virus tây sông Nile và nhiều loại khác. Phương pháp kiểm soát số lượng là một cách hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát của muỗi.

Qua kiểm định trong vòng hơn 10 tháng, loại bẫy Ovillanta đã chứng tỏ khả năng hoạt động tốt hơn các loại bẫy thông thường.

Trong thời gian thử nghiệm, nhóm đã thu thập và tiêu diệt hơn 18,100 trứng muỗi Aedes mỗi tháng, sử dụng 84 bẫy Ovillanta tại 7 khu dân cư. Cách làm này hiệu quả gấp 7 lần so với các loại bẫy thông thường.

Tại cùng một thời điểm, không một ca nhiễm mới sốt xuất huyết nào được ghi nhận tại khu vực, nơi mà các chuyên gia lắp đặt hệ thống bẫy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng đây mới dừng ở mức quan sát.

Cần nhiều thời gian hơn nữa để thẩm định xem liệu loại bẫy này có thực sự thành công và tiềm năng trong việc tiêu diệt muỗi hay không.

Thông thường, khu vực này của Guatemala thường ghi nhận 24 đến 36 ca sốt xuất huyết trong cùng thời điểm ở các năm trước.

Người ta sẽ treo bẫy trên cây để thu hút muỗi tới đẻ trứng
Người ta sẽ treo bẫy trên cây để thu hút muỗi tới đẻ trứng

Phương pháp mới này được đánh giá là rẻ, dễ làm và thân thiện với môi trường. Rõ ràng, đây không phải là biện pháp giúp loại bỏ tuyệt đối các virus do muỗi lây truyền.

Tuy nhiên, nếu được sử dụng hợp lý với nhiều biện pháp quản lý số lượng loài khác, nó sẽ có đóng góp đáng kể, giúp kiểm soát các loại bệnh truyền nhiễm tại nhiều khu vực trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại