Người 76 tuổi, tin nhắn 18+
Câu chuyện một nữ nhà báo vừa tung lên mạng về "bản năng gốc" một vị đáng kính, thực ra tôi đã nghe rất lâu và từ rất nhiều người. Gần như ai cũng biết.
Những nạn nhân đã nói với nhau chứ không hề im lặng, chỉ có điều, "đạo nghĩa" khiến họ chỉ rỉ tai nhau để phòng ngừa, chứ không tung lên mạng, lên báo và không tố cáo đến cơ quan chức năng.
Những chuyện rỉ tai nhau kèm theo bằng chứng, tôi đã chứng kiến rất nhiều.
Một nữ phóng viên 24 tuổi, hoàn toàn không xinh, ở cơ quan cũ, sau một buổi phỏng vấn, đã cho tôi xem những tin nhắn trên điện thoại.
Người vừa trả lời phỏng vấn cô, một GS.TS rất đáng kính, khi đó đã 76 tuổi, đã nhắn những cái tin gạ tình khiến cô gái phải đỏ mặt, dù nữ phóng viên mới chỉ phỏng vấn ông 2 lần.
Dù sửng sốt, nhưng cô phóng viên biết mình phải giữ mối quan hệ công việc rất quan trọng này, nên cô đắn đo mãi mới dám nhắn lại: "Thầy nói thế nghĩa là sao ạ?". Chỉ 5 giây sau, cô được hồi đáp: "Nghĩa là anh muốn ôm em, hôn em, nghĩa là mình có thể giúp nhau cả trong công việc của em lẫn đời sống của anh. Anh không gần vợ mấy chục năm nay".
GS.TS ấy tôi quen, và rất kính phục ông. 76 tuổi, nhưng ông vẫn là người truyền cảm hứng. Ông vẫn đi thuyết giảng. Bơi vài chục vòng hồ bơi mỗi ngày. Gương mặt vẫn sáng ngời sau cặp kính trắng. Người vợ rất già của ông, vẫn hướng ánh mắt lấp lánh tự hào mỗi khi nhìn chồng.
Tưởng như con người trần trụi sau cuộc phỏng vấn và ông GS đứng trên bục thuyết giảng trước phỏng vấn không liên quan gì đến nhau, nếu không có những tin nhắn đầy mùi phim cấp ba ấy.
"Làm gì có dê thượng lưu và dê bình dân. Đều là dê hết dù chúng được đội lốt bởi nhân vật bình dân hay thượng lưu" – một nhà xã hội học nói với tôi như vậy.
Dùng binh pháp Tôn Tử để đối phó với sếp
Trong các cuộc trà đá về chuyện biến thái, nhân vật sếp của một cơ quan truyền thông, luôn được nhắc tên kèm theo những cái lắc đầu.
Những nữ sinh thực tập, tập sự, nữ phóng viên trong cơ quan này, đã phải dùng cả binh pháp Tôn Tử mỗi khi bất đắc dĩ phải vào phòng sếp. Họ sẽ đi ít nhất 2 người để ngăn ngừa rủi ro.
Khá nhiều nữ nhân đã phải dùng kế "tẩu vi thượng sách" - bỏ chạy quanh phòng sau màn rượt đuổi của con dê núp sau bộ mặt nung núc của sếp.
Tì, chạm, đụng, cọ… là những bí kíp luôn được sếp dê này thi triển, cùng với ánh mắt hừng hực và thuật khẩu dâm.
Các nữ phóng viên kinh tế cũng thường kể nhiều thái độ ngôn tình trần trụi của một chuyên gia kinh tế. Gần như bất cứ người khác giới nào phỏng vấn ông, đều được "khuyến mại" những lời tán tỉnh, gạ gẫm miệt mài của đối tượng. Thậm chí có lần ông còn gửi cả những tấm hình nhạy cảm của mình cho nữ phóng viên để show hàng, gạ gẫm.
Thế nhưng khi bước vào hội nghị, hội thảo, đàm đạo với người cùng giới, ông sếp truyền thông lẫn vị chuyên gia kinh tế kia đều rất dễ mến, thân thiện, chan hòa.
Trong một cuộc giao lưu trực tuyến tại tòa soạn cũ của tôi, một TS rất uy tín về tâm thần học, đã có những cử chỉ "tự nhiên một cách biến thái".
Sau khi kết thúc cuộc giao lưu, vị trí của nữ phóng viên – người ngồi cạnh gõ text cho tiến sĩ – tự nhiên dịch chuyển sang ngang tới gần 1m. Sau mỗi một câu hỏi, ông "thiến sót" ấy lại nhích gần để cọ vào người cô phóng viên chân dài. Bàn chân ông dưới gầm bàn đã rút ra khỏi giầy để thỉnh thoảng vô tình đặt lên chân cô.
Vừa bình tĩnh gõ bài, cô gái phải vừa thầm làm theo chỉ dẫn của thơ Bút Tre "con đò dịch đít sang ngang", nhưng vẫn không thoát khỏi thế trận "cài răng lược" của ông tiến sĩ có nhóm máu đặc trưng ai cũng biết.
Sau khi nữ phóng viên về nhà, cô nhận được tin nhắn chúc mừng của vị tiến sĩ bác sĩ cô mới gặp lần đầu: "Buổi giao lưu thành công quá. Chúc mừng em yêu. Nhớ em". Khi đưa cho tôi xem tin nhắn ấy, cô phóng viên cười ruồi bảo: "Bệnh nhân tâm thần đầu tiên ông ấy nên chữa, là chính mình".
Thế trận chống… dê
Một cô em làm việc ở nhà xuất bản, một hôm gọi điện cho tôi: "Em sốc quá anh ạ. Sếp em, một người cả cơ quan chưa ai chê điểm gì, hôm qua đã vồ nghiến lấy em. Mà chỉ 1 tuần nữa chú ấy về hưu. Tuần sau em sẽ xin nghỉ phép, đợi ông ấy về hưu hẳn rồi mới đến cơ quan. Em không thể gặp thần tượng vừa sụp đổ của mình".
Đem những sự thắc mắc về những con người "đột nhiên biến thái" đó hỏi hai người, một nhà văn hóa, một bác sĩ tâm lý, tôi nhận được hai câu trả lời hoàn toàn khác nhau.
Nhà văn hóa nói: "Chỉ những người có phông và cốt cách văn hóa không bền vững thì mới có thể biến thái như vậy. Giống như những người có khí tiết, bị tra tấn dã man thế nào cũng không thể lay chuyển".
Bác sĩ tâm lý nói: "Đứng về góc độ tâm lý thì dễ ngăn ngừa, nhưng nếu nó chuyển thành bệnh lý, không thể nói trước điều gì. Những người vốn được xem là có cốt cách văn hóa, một ngày nào đó, trong tình huống đặc biệt nào đó, vẫn có thể trở thành dê xồm chính hiệu. Vì vậy, cách tốt nhất, chủ động nhất lại là sự đề phòng của các nạn nhân dự bị. Đừng im lặng".
Nhà văn Trang Hạ đã tìm ra kẻ vô tình đồng lõa với bọn quấy rối: "Kẻ bịt mồm bạn khi bạn bị hiếp dâm có khi lại là cô giáo chủ nhiệm, là mẹ bạn, là những nhà văn hóa, trí giả đầy mình của xã hội luôn đề cao chuẩn mực đạo đức sống, chứ không phải thằng lưu manh trên xe buýt.
Vì họ chỉ dạy bạn kỹ càng cách sống cùng người tốt, nhưng không dạy bạn mấy về môn chửi và đánh lại kẻ xấu".
Noa Jansma, nữ sinh viên ở thành phố Amsterdam của Hà Lan, đã không để ai bịt mồm mình. Cô chọn cách tấn công những kẻ biến thái bằng việc bình tĩnh đề nghị chụp ảnh selfie với "hung thủ" sau khi bị quấy rối, rồi tung lên mạng.
Còn gì hiệu quả hơn, khi những gương mặt sáng nhưng có tâm hồn đen đúa ấy, lập tức trở thành tấm bia tập bắn cho hàng trăm ngàn xạ thủ cư dân mạng.
Cách tấn công mạnh mẽ của Noa, cũng giống như tiếng thét uy lực của nhà văn Trang Hạ khi bị quấy rối: "Bỏ tay ra, đồ mất dạy".
Sau tiếng thét ấy, có thể cô sinh viên mất chỗ thực tập, nữ phóng viên không còn được vị giáo sư trả lời phỏng vấn. Không sao cả, những con dê xồm xứng đáng để các em đứng thẳng người dạy cho bài học, thay vì rúm người lại trong sợ hãi, uất ức.
Sau tiếng thét ấy, nữ nhân viên có thể bị ông sếp cho mất việc.
Không sao cả, xã hội đâu thiếu cơ quan xứng đáng để các em phục vụ, đâu thiếu những người sếp đi ăn nhất quyết không cho nhân viên trả tiền; đâu thiếu những lãnh đạo Tết đến tặng quà nhân viên thay vì mở cửa nhà đợi thuộc cấp trình diện và đâu thiếu sếp lịch lãm với nhân viên như lịch lãm với… khách hàng.