Đề thi Văn giữa kỳ ở Gia Lai bàn về 'Tiếng Việt lệch chuẩn' của Gen Z, phải ráng lắm mới dịch được đề bài nói gì

VŨ TRỊNH |

Đề thi này đang gây sốt trên mạng xã hội vì khá độc đáo.

Ngày nay, các thầy cô dường như muốn đánh giá học sinh toàn diện hơn nên đề thi cũng theo đó mà mang tính vận dụng và thực tế rất nhiều. Nhiều vấn đề, sự kiện của đời sống, xã hội được giáo viên đưa trở thành đề tài để học sinh bàn luận, nêu suy nghĩ. Mới đây, thêm một đề Văn nữa lại gây sốt với chủ đề liên quan tới "teencode".

Theo đó, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Gia Lai dành toàn phần Làm văn để học sinh thực hiện yêu cầu viết 1 bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay sau khi đọc 1 mẩu tin dưới đây:

"Đọc được tin nhắn của con gái đang học lớp 11 gửi một người bạn cùng trường, chị T.T.N.L (phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) 'choáng' với cả nội dung như sau: 't * a lại nói vs e nt. A có bik la em pùn lắm k? We nên nghĩ l nhg j đã làm. We đã có 1 tg iu nhao r đẹp, jờ * lại nói vs nhao nhg lời k vui?" (Tại sao anh lại nói với em như thế. Anh có biết là em buồn lắm không? Chúng ta nên nghĩ lại những gì đã làm. Chúng ta đã có một thời gian yêu nhau rất đẹp, giờ sao lại nói với nhau những lời không vui?)"

Đề thi Văn giữa kỳ ở Gia Lai bàn về Tiếng Việt lệch chuẩn của Gen Z, phải ráng lắm mới dịch được đề bài nói gì - Ảnh 1.

Thực tế, hiện tượng biến tấu, thay đổi những từ ngữ tiếng Việt để nhắn tin, nói chuyện trong giới học sinh, sinh viên không phải là hiếm, thậm chí những người trẻ 9X cũng sử dụng cách này. Nhiều người gọi vui đây là kiểu chữ "teencode" vì chỉ có các học sinh tự viết và tự hiểu với nhau nhưng để cho bố mẹ đụng đến hẳn sẽ không nhiều người dịch nghĩa được con cái đang muốn nói gì.

Nhiều người cũng thừa nhận, nếu không có đoạn dịch lại nghĩa ở phía sau thì họ cũng chẳng biết đề bài là gì. Dù là một hiện tượng xã hội khá phổ biến nhưng lại ít được bàn luận và nói đến trong môi trường giáo dục. Thế nên đề bài này quả thực vừa mới mẻ, vừa gây hứng thú với học sinh, đối tượng thường hay sử dụng cách viết bá đạo này nhất.

Trước đây, tuy có một số đề bài đưa vấn đề này ra để thử sức học sinh nhưng chỉ dừng lại ở dạng bài tập nhỏ hoặc chiếm tỷ lệ điểm rất ít trong bài kiểm tra. Riêng lần này, trường học ở Gia Lai đã đưa hẳn vào phần Làm văn chiếm trọn 7 điểm trong kỳ thi giữa kỳ. Quả thực, môn Ngữ văn ngày nay đã bớt nhàm chán rất nhiều rồi phải không nào?

Đề thi Văn giữa kỳ ở Gia Lai bàn về Tiếng Việt lệch chuẩn của Gen Z, phải ráng lắm mới dịch được đề bài nói gì - Ảnh 2.
Đề thi Văn giữa kỳ ở Gia Lai bàn về Tiếng Việt lệch chuẩn của Gen Z, phải ráng lắm mới dịch được đề bài nói gì - Ảnh 3.

Ảnh: Trường người ta/ Internet


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại