Đề nghị phục dựng toàn bộ hiện trường vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình

Cường Ngô |

Một nhóm các nhà khoa học đã đưa ra những giả thiết với mong muốn sáng tỏ thêm nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Nhóm các nhà khoa học do tiến sĩ Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) làm đại diện đã nêu một số vấn đề khoa học liên quan đến các bệnh nhân tử vong trong sự cố y khoa chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình , nhưng chưa được làm rõ trước tòa.

Nghi vấn van nước hỏng?

Theo tiến sĩ Lê Thanh Hải, việc hỏng các van nước đồng thời trên cùng một con đường là việc rất hi hữu, nhưng có thể lý giải được, bởi nó nằm trên con đường sử dụng hóa chất nhiều lần sục rửa, bảo trì trước đây.

Quá trình hư hỏng diễn ra từ từ, theo đó phải có hiện tượng rò rỉ nước ô nhiễm theo lượng nhỏ vào hệ thống nước tinh khiết cho máy thận nhân tạo. Điều này có thể bác sĩ Hoàng Công Lương đã nhận thấy một số biểu hiện lâm sàng bất thường trên bệnh nhân trong quá trình chạy thận trước đây, từ đó đã yêu cầu bảo trì hệ thống nước.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, hệ thống RO1 cấp nước cho rửa quả lọc, hệ thống RO2 cấp nước để chạy máy thận, vì thế theo tư duy logic thì bác sĩ Lương yêu cầu bảo trì hệ thống RO2 là đúng. Việc không ngờ tới là hư hỏng từ hệ thống RO1 đã gây ô nhiễm trực tiếp vào vòng tuần hoàn cho chạy thận nhân tạo.

Đề nghị phục dựng toàn bộ hiện trường vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình - Ảnh 1.

Sơ đồ sục rửa màng RO của hệ thống RO số 2. Ảnh tư liệu

Tiến sĩ Lê Thanh Hải cho biết, trong các lần bảo trì hệ thống lần trước, việc Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) vẫn tiến hành bảo trì, thay thế, sục rửa bằng hóa chất, không kiểm tra tồn dư hóa chất, không thực hiện xét nghiệm nước theo AAMI, nhưng không xảy ra bất kỳ sự cố nào cho người bệnh. Bởi hệ thống vòng tuần hoàn để lưu chuyển nước thẩm tách bao gồm: Bồn chứa nước thẩm tách RO2, bơm, đường ống cấp, đường hồi nước thẩm tách về bồn RO2 được cách ly hoàn toàn và không thể xâm nhập do các van cấp rửa màng và van cấp khử trùng đóng kín.

Lần này chính việc hỏng 3 van nước (K1; K2; K3) cùng nằm trên đường Bypass của hệ thống RO1 (rất hy hữu) đã mở thông con đường ô nhiễm nước bẩn vào vòng tuần hoàn cấp nước cho máy thận. Việc này có thể nằm ngoài hiểu biết của Bùi Mạnh Quốc.

Hiện tượng bất thường trong cấu trúc là xuất hiện một van nằm trên bơm cấp khử trùng, tẩy màng (Van K4 - chức năng của van này thực sự khó hiểu về chức năng trong hệ thống nước RO1).

Đề nghị phục dựng hiện trường

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hải, phân tích khoa học về kết luận điều tra, cáo trạng, bản án và bản sơ đồ hệ thống xử lý nước RO cho kỹ thuật thận nhân tạo của đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho thấy: Luận điểm hàm lượng axít HCL, axít HF tồn dư, con đường tồn dư trong nước thẩm tách nêu trong trang 6 kết luận điều tra, trang 6 cáo trạng và trang 12-13 bản án là chưa phù hợp.

Nguyên nhân tử vong của 8 bệnh nhân không phải chỉ do tồn dư HF theo con đường này.

Con đường ô nhiễm nước thẩm tách do đường cấp khử trùng đường ống (đường Bypass cũ) có 3 van hỏng (K1; K2; K3) đã mở thông con đường gây ô nhiễm đa chất là nguyên nhân gây ra tai biến nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Một số kết quả giám định mẫu nước mà cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu giám định không đảm bảo tính logic, khách quan và khoa học.

Chính vì vậy, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đề nghị Bộ Y tế kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hòa Bình phải điều tra lại, điều tra bổ sung một cách kỹ lưỡng để khẳng định tính chính xác nguyên nhân tử vong của 8 bệnh nhân.

"Chúng tôi đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra phục dựng toàn bộ hiện trường và điều tra thực nghiệm lại với sự chứng kiến, phối hợp của các nhà khoa học trong y tế, để tìm ra nguyên nhân tử vong cho những người bệnh một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học”, tiến sĩ Lê Thanh Hải kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại