Đề nghị miễn nhiệm ngay chức danh bị 2/3 phiếu tín nhiệm thấp

Văn Kiên |

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, với những trường hợp bị 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì nên miễn nhiệm ngay, chứ không chờ tới kỳ họp sau.

Miễn nhiệm để bảo đảm hiệu lực quản lý

Thảo luận ở hội trường về dự thảo sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm , bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết), nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ thời điểm thực hiện miễn nhiệm đối với những trường hợp bị 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc dự thảo quy định, có thể tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất là “chưa rõ ràng”. “Người bị 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà phải chờ đến kỳ họp tiếp theo mới tiến hành miễn nhiệm thì khoảng thời gian đó rất khó thực hiện nhiệm vụ”, bà Nga nêu.

Đề nghị miễn nhiệm ngay chức danh bị 2/3 phiếu tín nhiệm thấp - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Ảnh: Như Ý

Cùng đề cập đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị tiến hành miễn nhiệm ngay tại kỳ họp lấy phiếu. Trường hợp chưa chuẩn bị được nhân sự thay thế thì có thể giao quyền cho cấp phó.

“Không nên để xảy ra trường hợp một người đã trải qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng lại để 4-5 tháng sau mới miễn nhiệm. Làm như vậy có thể dẫn đến những hậu quả rất tai hại về quản lý nhà nước cũng như về dư luận”, ông Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Cường đề nghị không nên hạn chế cho người có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp xin từ chức. “Xin từ chức là quyền của cán bộ, công chức và Đảng có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức không đủ năng lực, uy tín, có sai phạm từ chức. Do đó, không nên hạn chế quyền này”, ông Cường góp ý.

Bổ sung quy định cấm mua chuộc bằng “lợi ích phi vật chất”

Đề cập các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị bổ sung thêm hành vi mua chuộc bằng “lợi ích phi vật chất”.

Dẫn Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, bà Hoa cho biết, lợi ích phi vật chất có thể là tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng, bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn cho đi học...

“Quy định trong dự thảo nên được sửa thành: Nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động lôi kéo, mua chuộc, tác động”, bà Hoa đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật, làm căn cứ đánh giá, tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của người thân để làm giảm uy tín của các trường hợp thuộc diện bị lấy phiếu.

Trước các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết “sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để tiếp thu”. Theo bà Thanh, dự thảo Nghị quyết được trình lần này đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc, rõ mức độ trong công tác đánh giá và xử lý cán bộ .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại