Đề nghị đầu tư triệu đô cho iGreen - startup chưa có gì, liệu Shark Liên có bị hớ?

Nguyễn Tiến Trung |

Về mặt tài chính, số liệu, định giá rõ ràng team iGreen rất yếu và thiếu kỹ năng cũng như thiếu người phụ trách về kinh doanh và tài chính. Hơn nữa, họ chưa có hợp đồng nào chính thức, cũng không có số liệu - kế hoạch tương lai rõ ràng. Tuy nhiên, iGreen có thị trường giàu tiềm năng, sản phẩm nhiều lợi thế cạnh tranh, team founder mạnh về công nghệ với cách khởi nghiệp thông minh…

Trong tập 10 Shark Tank 20212, sau khi trả 25 tỷ đồng cho 49% cổ phần, Shark Liên đã thuyết phục thành công 2 nhà sáng lập của iGreen là Đoàn Văn Tùng và Tô Quốc Bình về với đội của mình.

Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, thoạt trông thì Shark Liên có vẻ hớ, nhưng phân tích kỹ thì không! Dưới đây là bài phân tích của anh về deal iGreen.

4 mùa Shark Tank , đặc biệt ở vòng Auditon đã chứng kiến rất nhiều các startup xuất phát điểm từ các nhà khoa học, các dự án nghiên cứu của viện, trường, của các tiến sỹ.

Điểm chung của các startup kiểu này là họ rất giỏi về chuyên môn, rành về công nghệ, yêu sản phẩm, nhìn thấy vấn đề mà xã hội cần nhưng thiếu căn bản về kinh doanh và tài chính. Đó là một rào cản lớn khiến họ không đẩy doanh nghiệp của mình thành doanh nghiệp triệu đô.

Tuy nhiên một bất ngờ đã xảy ra tại Shark Tank tập 10 khi mà 2 nhà sáng lập Đoàn Văn Tùng và Tô Quốc Bình của iGreen đã kêu gọi thành công 1 triệu USD, khi mà startup này mới chỉ vừa bước qua giai đoạn thử nghiệm sản phẩm và chưa có khách hàng thực sự cho dòng sản phẩm hạt nhựa sinh học. ‘Cá mập’ Liên có bị hớ?

Đầu tiên là phân tích nghành: Đây là một nghành vô cùng tiềm năng tại Việt Nam và thế giới, bởi nhu cầu về nhựa sinh học ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia tiên tiến dần cấm sử dụng các sản phẩm nhựa không phân hủy.

Tại Việt Nam, yếu tố vùng nguyên liệu giá rẻ đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ cho sản phẩm sản xuất tại đây. Công nghệ là yếu tố rất quan trọng mà team iGreen vô cùng tự tin.

Thị trường hiện tại chưa có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Quy mô của thị trường - nhất là thị trường xuất khẩu, là rất lớn. Số liệu thống kê 2020 là Việt Nam mình nhập khẩu 6,61 triệu tấn nhựa, doanh thu toàn ngành là 22,8 tỷ USD. Trong đó nhựa bao bì chiếm 36%. 1% thị phần của thế giới đã đạt hơn 20 ngàn tấn.

Thực tế, trên sàn chứng khoán Việt Nam, hiện có 1 công ty là nhựa An Phát cũng đang phát triển mạnh mảng sản phẩm này với mức doanh thu tổng lên tới 8 ngàn – 9 ngàn tỷ mỗi năm. Cụ thể, hiện công suất sản xuất trong ngành này của An Phát là 120 ngàn tấn/ năm, xuất khẩu tới trên 70 thị trường quốc tế, hướng tới phát triển bền vững theo 17 Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG).

Rõ ràng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đón được sóng xanh như iGreen. Startup này còn đưa thêm thông tin đắt giá "cơ hội cực lớn khi nghe thông tin thị trường châu Âu và nhiều quốc gia sẽ cấm nhựa dùng 1 lần từ tháng 7/2021".

Một vài sản phẩm đầu cuối của iGreen.

Dù chưa thực sự bán sản phẩm đinh của mình cho khách hàng, nhưng iGreen đã thể hiện rõ USP (Unique Selling Point/ Proposition) của mình cho các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng: cùng là một chiếc túi nhập từ Trung Quốc có độ dày 25 micron; trong khi, sản phẩm của iGreen thổi mỏng chỉ có 18 micron.

Thay vì túi nặng 1 ký thông thường được khoảng 100 cái, thì của iGreen lên tới 120 cái, bán lời từ 10 – 15%... Thời gian phân hủy sản phẩm chỉ 6 tháng, ngắn hơn so với nhiều đối thủ hiện tại nhờ nguyên liệu và công nghệ của iGreen.

Chưa hết Tô Quốc Bình còn làm rõ vai trò của R&D trong ngành: "Tuy có thể mua dây chuyền từ nước ngoài nhưng nếu không có R&D thì đối với ngành bioplastics (nhựa sinh học) này là không hề dễ dàng. Đối với bioplastics, từ phòng thí nghiệm ra được sản phẩm công nghiệp rất gian nan. Đến khi xin được chứng nhận là gian nan tiếp theo".

Đó là một lợi điểm không thể chối cãi của iGreen. Tất nhiên, yếu tố này cần được kiểm chứng ở vòng DD thẩm định dự án.

Bên cạnh đó, tư duy làm sản phẩm chất lượng cũng được startup này thể hiện rõ thông qua việc, cần 1 khoản vốn lớn 25 tỷ để đầu tư dây chuyền máy móc chất lượng từ châu Âu chứ không phải từ Trung Quốc. Điều này rõ ràng là một điểm cộng trong con mắt của các nhà đầu tư.

Một điểm sáng khác của iGreen cũng là một case để học tập với nhiều nhóm khởi nghiệp xuất phát điểm từ nhà nghiên cứu: quy trình khởi nghiệp của iGreen rất bài bản và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tài chính bản thân họ có.

Như đã phân tích, họ là những con người rất giỏi về chuyên môn, rành về công nghệ, đầy nhiệt huyết - đam mê và mong muốn giải quyết những vấn đề nóng bỏng mà xã hội cần. Với số vốn ban đầu, họ không chọn cách làm ngay sản phẩm chính để bán, bởi chi phí đầu tư rất lớn và nếu đầu tư không xong không có khách hàng, có thể dẫn tới ôm 1 cục nợ to.

Trong 2 năm thành lập doanh nghiệp, iGreen từng bước chứng minh sản phẩm của mình cho khách hàng cuối thông qua việc sản xuất và bán các sản phẩm hình thành từ hạt nhựa sinh học, như túi bao bì và ống hút cho cho chuỗi nhà hàng, hệ thống khách sạn 5 sao. Cách đi này khá thông minh!

Đề nghị đầu tư triệu đô cho iGreen - startup chưa có gì, liệu Shark Liên có bị hớ? - Ảnh 1.

Team sáng lập của iGreen mạnh về công nghệ và chọn cách khởi nghiệp khá thông minh.

Về mặt tài chính, số liệu, định giá rõ ràng team iGreen rất yếu và thiếu kỹ năng cũng như thiếu người phụ trách về kinh doanh và tài chính. Có thể nhận thấy sự lúng túng của cả 2 khi ra deal và thương lượng deal đặc biệt phần truy vấn về doanh thu, sản lượng mà Shark Hưng dồn dập hỏi.

Shark Hưng có vẻ hơi "HAM" khi đặt mức định giá bản thân ở mức 40% khi đưa ra deal 75% cho 25 tỷ đầu tư. Đây là 1 deal ‘SIÊU THIỆT’ cho startup và chỉ phù hợp cho startup đang vật lộn với sống còn. Kiểu không có SHARK, các chú sẽ thành ‘Xác Chết’.

Chưa kể, nếu lấy 75% cổ phần, chẳng đồng chí founder nào còn tâm trí để làm việc khi mà lợi nhuận 10 phần, 7 phần chia Shark, 3 founder bao tâm huyết chia nhau mỗi ông 1 phần (thật là đau lòng!).

Tuy nhiên, xét về mặt định giá doanh nghiệp, thì Shark Hưng cũng chẳng sai. Bởi iGreen mới chỉ đầu tư vài tỷ vào dự án, doanh thu chỉ vài trăm triệu, chưa có hợp đồng nào chính thức, cũng không có số liệu kế hoạch tương lai rõ ràng nên rất khó để định giá.

Thật may mắn cho iGreen, khi tay ‘cảnh sát về môi trường’ với đầy đủ hệ sinh thái, niềm đam mê, ‘món ăn khoái khẩu’ thường liên quan đến môi trường, mạng lưới hỗ trợ và đối tác từ Đức và châu Âu; đã tung ra ‘cú đấm siêu ngầu’ cùng lý do ‘siêu đáng yêu’ (chị bỏ 25 tỷ mua để tặng bọn em cho chồng chị!). Đề nghị ‘không thể chối từ’ của Shark Liên đã khiến Shark Hưng dừng cuộc chơi.

Đây thực sự là kết thúc có hậu cho iGreen. Tuy nhiên, để nhận được vốn, iGreen còn cần chuẩn bị rất chu đáo cho giai đoạn DD (Due Diligence - thẩm định doanh nghiệp) rất gian nan ở phía trước.

Chỉ khi vượt qua nó, iGreen mới thực sự ‘nở hoa’ và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn với sự phát triển mạnh mẽ. Cùng sự góp sức và tiền từ Shark Liên, chắc hẳn Shark Liên sẽ hỗ trợ để mang tới cho người đàn ông của đời mình một món quà tặng có giá trị.

Bài học kinh nghiệm ở đây: các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các dự án nghiên cứu hãy open mind và sẵn sàng cho mình một tâm thế: chia sẻ cổ phần công ty để đón những nhà đầu tư có tầm nhìn, chiến lược, khả năng kinh doanh, hiểu biết tài chính vào cùng team mình và mình chỉ tập trung vào đam mê, chuyên môn.

Nhất định các bạn sẽ tạo ra những sản phẩm có ích, giải quyết nhiều vấn đề nan giải của xã hội và có được những doanh nghiệp thành công trên thương trường!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại