Đề nghị Bộ Công an vào cuộc, thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ

Luân Dũng |

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ; Bộ Công an xác minh, làm rõ có hay không dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra.

Cố tình tư vấn sai lệch?

Sáng 31/5, phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - nêu bức xúc của người dân trong vấn đề bảo hiểm nhân thọ.

Bà Thủy khẳng định, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu mất mát, thiệt hại do ốm đau bệnh tật.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian qua, dư luận không khỏi nghi ngại qua hàng loạt vụ việc vừa qua. Nhiều người đã kiểm tra hợp đồng, mang hợp đồng tới công ty bảo hiểm để kiểm tra nhưng nhận được thông tin hoàn toàn khác với thông tin được tư vấn viên đã tư vấn.

"Nhiều người đã phải gác lại việc mua bảo hiểm theo kế hoạch. Thậm chí, nhiều tờ báo đã phải đăng bài chỉ cho người dân cách phòng tránh rủi ro khi mua bảo hiểm", bà Thuỷ cho hay.

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc, thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - đoàn Bắc Kạn.

Theo ĐBQH, một bộ hợp đồng dày 70 - 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều từ ngữ chuyên ngành, mà sự thua thiệt chủ yếu gặp ở phía người mua nếu gặp tư vấn viên không có tâm. Thậm chí nhiều chuyên gia cho biết, cũng chỉ hiểu khoảng 70% hợp đồng.

Đáng lưu ý, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết, đầu tư. Tức một phần tiền của khách hàng được đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu nên càng phức tạp hơn.

"Nhiều người chia sẻ dù đọc kỹ đến mấy cũng không thể hiểu được độ linh hoạt của các hợp đồng bảo hiểm. Nếu thanh lý hợp đồng sau 3 năm, 5 năm, 10 năm thì sẽ nhận lại được bao nhiêu số tiền đã đóng", bà Thuỷ nêu.

Về đội ngũ tư vấn viên, ĐBQH cho rằng, đây là khâu mấu chốt dẫn tới nhiều tranh cãi. Vì tính chất phức tạp của bảo hiểm nhân thọ nên rất cần tới đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên lại cố tình mập mờ để nhanh chóng chốt đơn, ký lại hợp đồng.

Theo quy định của Bộ Tài chính, lợi nhuận của hợp đồng bảo hiểm tối đa lên tới 40% trong năm đầu tiên. Hiện nay các công ty bảo hiểm đang để 35 - 40%. Ví dụ hợp đồng 100 triệu/năm thì ngay sau khi khách hàng đóng tiền, tư vấn viên sẽ được hưởng từ 35 - 40 triệu đồng ở năm đầu.

Để đạt được doanh số và khoản hoa hồng hậu hĩnh, không ít tư vấn viên đã cố tình tư vấn sai lệch khiến khách hàng lầm tưởng mình đang tham gia vào một sản phẩm đầu tư sinh lãi cao, vừa được bảo vệ sức khỏe, vừa được đền bù khi có việc không may xảy ra và khi kết thúc hợp đồng còn nhận được toàn bộ số tiền đã đóng và lợi nhuận.

"Song thực tế không lời lãi như tư vấn viên. Với một số hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, lợi nhuận cũng chỉ là kỳ vọng, phụ thuộc vào thị trường", bà Thuỷ cho hay.

Nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc

Cũng theo đại biểu, chính công ty bảo hiểm mang số tiền này đi đầu tư cũng không thể chắc chắn 100% rằng khoản này sẽ sinh lợi. Không ít tư vấn viên chỉ nói về quyền lợi mà họ được hưởng lợi, không chỉ rõ cho khách hàng các điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi khi thanh lý trong 1 - 2 năm đầu sẽ nguy cơ gần như mất trắng số tiền đã đóng…

“Đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ tư vấn viên, được đào tạo chuẩn chỉ, có tâm, trách nhiệm”, ĐBQH nhấn mạnh.

Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo bà Thuỷ, bên cạnh các đơn vị làm ăn uy tín, thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề. “Dư luận đặt câu hỏi, từ các vụ việc vừa qua, có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng?”, ĐB đặt vấn đề.

Cũng theo thống kê, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thấp trên thế giới, chiếm 11% dân số, trong khi Maylaysia 50%, Singapore 80% và Mỹ là 90%. Để đạt được tỷ lệ cao như vậy, theo bà, chắc chắn ở các nước không có tình trạng thiếu minh bạch và trung thực như tại Việt Nam.

Nhấn mạnh bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm hữu ích cho mỗi gia đình, tuy nhiên đại biểu cho hay, có nhiều việc phải làm để lành mạnh hóa thị trường, để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.

Từ các phân tích trên, ĐBQH kiến nghị ba vấn đề:

Thứ nhất, Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Công an từ các đơn tố cáo, phản ánh vừa qua xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra.

Thứ ba, kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc rà soát lại toàn bộ các khâu của hợp đồng bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký kết và giải quyết khiếu nại.

"Chỉ khi minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ", bà Thuỷ cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại